Cuộc đua du lịch vũ trụ tiếp tục sôi động
Deep Blue Aerospace, một công ty tư nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không vũ trụ Trung Quốc, mới đây đã ghi dấu trên thị trường khi lần đầu tiên thương mại hóa việc du hành vũ trụ trên nền tảng thương mại điện tử Taobao…
Theo thông tin do Deep Blue Aerospace công bố, chuyến du hành này sẽ khởi hành vào 3 năm sau và sử dụng tên lửa đẩy Nebula-1. Con tàu vươn tới độ cao khoảng 100 - 150 km, chở khách vượt qua Đường Kármán (đường xác định ranh giới giữa bầu khí quyển của Trái đất và vũ trụ) và tiến vào rìa không gian. Ngay khi 2 chiếc vé được đăng bán tại buổi livestream, sản phẩm đã được hiển thị bán hết. Danh tính của hành khách mua vé hiện chưa được tiết lộ.
Theo Global Times, điều kiện mua vé là trong độ tuổi 18 - 60 và có sức khỏe tốt. Tiếp theo, người mua sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe thể chất nghiêm ngặt để xác định xem họ có phù hợp cho chuyến bay hay không. Giá cho một vé khứ hồi là 1,5 triệu nhân dân tệ (210.900 USD), khách hàng phải đặt cọc số tiền là 50.000 nhân dân tệ (7.021 USD). Mức giá trên rẻ hơn một nửa so với con số 450.000 USD/90 phút của Virgin Galactic, công ty cung cấp tàu du hành thương mại đầu tiên trên thế giới của tỷ phú người Anh Richard Branson.
Ông Hoắc Lượng, nhà sáng lập Deep Blue Aerospace, nhận định tính mạng hành khách là quan trọng nhất. Do đó, đơn vị từ chối bán vé một chiều, đảm bảo khách về nhà an toàn. "Trước khi đưa khách thám hiểm không gian, tổ hợp tàu vũ trụ - tên lửa của chúng tôi sẽ trải qua hàng chục cuộc thử nghiệm vào năm 2026 nhằm đảm bảo tính an toàn, đưa du khách trở về với Trái Đất", vị này nói trong buổi livestream của công ty.
Deep Blue Aerospace cho biết. "Hành khách sẽ được trải nghiệm sự bao la và bí ẩn của vũ trụ, chứng kiến khung cảnh tráng lệ ngoài Trái Đất. Đây sẽ là một chuyến du hành vũ trụ đa giác quan, toàn diện và cả đời không thể quên". Công ty cũng giới thiệu hình ảnh hệ thống bay cận quỹ đạo của mình - một tổ hợp tên lửa - tàu vũ trụ có thể tái sử dụng tương tự New Shepard của công ty Mỹ Blue Origin.
Tính đến hiện tại, New Shepard đã thực hiện 8 chuyến bay chở người đến vùng cận quỹ đạo, gần đây nhất là vào ngày 29/8. New Shepard có thể chở 6 hành khách. Họ sẽ ngắm nhìn Trái Đất nổi bật giữa nền vũ trụ tối đen, trong chuyến bay kéo dài 10 - 12 phút, tính từ khi cất cánh đến khi hạ cánh, trong đó du khách sẽ được trải nghiệm ít nhất 5 phút trong trạng thái không trọng lượng.
Tại Trung Quốc, ngoài Deep Blue Aerospace, CAS Space (thuộc diện doanh nghiệp spin-off, được tạo ra từ kết quả nghiên cứu và công nghệ hay sáng kiến của trường đại học/viện nghiên cứu) cũng có tham vọng lấn sân sang thị trường du lịch không gian. Đơn vị đang phát triển loại hình phương tiện vận tải khách tương tự và dự kiến sẽ hoạt động trong vài năm tới.
Ở một hình thức khác, du khách đam mê khám phá vũ trụ có thể thỏa nỗi ước ao khi đến với tỉnh Cam Túc của đất nước tỷ dân nay. Tại đây, du khách có thể ghé thăm Trung tâm Mô phỏng Sao Hỏa với 9 khoang cabin như trên tàu vũ trụ thật. Du khách sẽ được nếm thử đồ ăn của các phi hành gia vũ trụ và trải qua các bài huấn luyện dành cho phi hành gia... Còn ở Nội Mông, du khách có thể thuê trang phục phi hành gia chỉ với 80 tệ, khoảng 280 nghìn đồng mỗi giờ, để chụp ảnh tại khu núi lửa Wulanhada trông giống như bề mặt sao Hỏa.
Du lịch theo chủ đề vũ trụ đang bùng nổ ở Trung Quốc. Số lượng đặt vé các điểm tham quan liên quan đến vũ trụ tăng 59% so với năm ngoái. Trên bình diện thế giới, kể từ sau khi tỷ phú người Mỹ Denis Tito trở thành du khách đầu tiên bay ra ngoài không gian và ghé thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2001, ngành du lịch vũ trụ đã bắt đầu chuyển động và nhanh chóng có những bước tiến dài.
Nhiều công ty tư nhân Mỹ đang đặt cược vào lĩnh vực du lịch vũ trụ với mục tiêu khiến hình thức này không còn quá xa vời đối với người bình thường. Ngay cả NASA cũng đã thay đổi quan điểm về du lịch vũ trụ khi tuyên bố kế hoạch mở ISS dành cho du khách. Theo Fox News, tính đến nay đã có khoảng 700 người đặt chỗ để có cơ hội bước vào không gian dưới quỹ đạo, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Brad Pitt, Leonardo DiCaprio, Tom Hanks, và hơn 8.000 người đang chờ đợi.
Hiện 3 công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos, Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson, và SpaceX của tỷ phú Elon Musk đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua du lịch vũ trụ có giá trị thị trường tiềm năng khoảng 3 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dự báo du lịch vũ trụ sẽ trở thành một ngành công nghiệp “tỷ đô,” bất chấp thực tế đây là ngành kinh doanh cần đầu tư lượng kinh phí lớn và khá rủi ro, nguy hiểm.
Ngoài ra Công ty Axiom có trụ sở tại Houston, Mỹ đang triển khai các bước để xây dựng các trạm vũ trụ của riêng họ trên quỹ đạo, phục vụ cho nhu cầu lưu trú dài ngày của các phi hành gia thương mại có trong tương lai. Không kém cạnh, Công ty Orion Span, cũng có trụ sở tại Mỹ, dự định sẽ mở khách sạn vũ trụ sang trọng đầu tiên trên quỹ đạo cách bề mặt Trái đất hơn 320km. Chi phí lưu trú tại khách sạn có sức chứa sáu người này lên tới từ 9,5 triệu USD mỗi người.
Tuy nhiên, kênh truyền hình CNN, Forbes và các phương tiện truyền thông xã hội đều lên tiếng chỉ trích những chuyến du hành sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch này. Dù quan chức của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), ông Gavin Schmidt, đã trấn an rằng: “Lượng khí thải CO2 từ tên lửa phóng tàu không gian là không đáng kể so với các hoạt động khác của con người, hay so với hàng không thương mại.”
Nhưng thực tế, có thể ở hiện tại, các vụ phóng tên lửa nói chung không thường xuyên diễn ra nên ít gây ô nhiễm, nhưng một khi hoạt động diễn ra thường xuyên hơn, vấn đề sẽ khác. Điều mà các nhà khoa học lo lắng là khả năng gây hại lâu dài khi ngành công nghiệp này phát triển lớn hơn, đặc biệt là tác động đến tầng ozon.
Một số người khác thì cho rằng đây là ngành công nghiệp chỉ phục vụ cá nhân đặc biệt giàu có. Điều đó có thể làm loãng sự quan tâm của công chúng với vũ trụ. Thay vì mở ra khả năng cho mọi người, nó có thể khiến người không quan tâm do khó tiếp cận. Do giá vé cực cao, từ hàng trăm nghìn tới hàng chục triệu USD, rất khó để hầu hết mọi người nhìn nhận giá trị của du lịch không gian như một ngành công nghiệp.