11:27 06/09/2022

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đang được rao bán, vì đâu nên nỗi?

Tuệ Mỹ

Trang New York Post mới đây đăng tin ông Ari Emanuel, CEO của tập đoàn Endeavor (chủ sở hữu công ty IMG) đang tìm cách bán cuộc thi Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ với giá 20 triệu USD…

Ông Ari Emanuel được cho là đã và đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, có trụ sở tại châu Á và Nam Mỹ. Mức giá 20 triệu USD có thể giảm nhưng không quá nhiều. CEO của tập đoàn Endeavor muốn dùng số tiền này để đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh khác. Tuy nhiên, sau 6 tháng tìm kiếm người mua, thương vụ vẫn chưa thành công. 

Cũng theo New York Post, tổ chức Miss Universe (bao gồm cả Miss USA và Miss Teen USA) ghi nhận khoản lỗ 2 triệu USD mỗi năm, trong khi doanh thu đạt 7 - 9 triệu USD. Theo thống kê, tỷ lệ người xem Miss Universe tại Mỹ liên tục giảm những năm gần đây. Miss Universe cũng đã liên tục đưa ra những thay đổi nhưng không cải thiện được tình hình. Mới nhất, tổ chức này công bố chấp nhận thí sinh đã kết hôn hoặc làm mẹ.

Hoa hậu Hoàn vũ từng là cuộc thi “xưng vương rating” khi chạm mốc 7,7 triệu người xem tại Mỹ năm 2014, vượt qua thống kê rating show đình đám The Simpsons, Family Guy, Galavant trong cùng khung giờ vàng. Tuy nhiên, đến năm 2021, rating Miss Universe chỉ hút tổng cộng 2,7 triệu người xem trên Fox, khoảng 1/3 rating thời hoàng kim. Con số này giảm 30% so với con số 3,8 triệu người xem mà cuộc thi năm 2019, theo The Wrap.

Hoa hậu Hoàn vũ từng là cuộc thi “xưng vương rating”.
Hoa hậu Hoàn vũ từng là cuộc thi “xưng vương rating”.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các cuộc thi hoa hậu đã bị khán giả quay lưng trong những năm gần đây. Với 6 chiến thắng tại Hoa hậu Thế giới, 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 8 lần được xướng tên là Hoa hậu Quốc tế… Venezuela trở thành một trong những quốc gia sản sinh ra nhiều hoa hậu nhất trên thế giới. Sức hấp dẫn của vương miện và quan trọng hơn là cơ hội đổi đời khiến nơi đây từng là “thủ phủ” của các lò đào tạo hoa hậu.

Song, những năm gần đây đấu trường nhan sắc không còn là “tấm vé vàng” đối với những cô gái nuôi tham vọng đổi đời. Ngay cả Hoa hậu Venezuela - cuộc thi sắc đẹp hàng đầu quốc gia Nam Mỹ này cũng điêu đứng sau cáo buộc mại dâm liên quan đến các thí sinh vào năm 2018. Theo NBC News, nhiều thí sinh hoa hậu bị tố đổi tình lấy xe sang, những chuyến du lịch đẳng cấp, nhận tài trợ trang phục thi hoa hậu, chi phí phẫu thuật thẩm mỹ hay các “phần thưởng” giá trị khác từ các quan chức tham nhũng hoặc các ông chủ tài phiệt.

Đó còn chưa kể đến, cuộc khủng hoảng chính trị, thiếu lương thực, lạm phát tăng cao…. khiến hàng loạt cuộc thi, “lò” đào tạo hoa hậu phải đóng cửa vì không thể duy trì hoạt động. Tại châu Âu, thời kỳ hoàng kim của các cuộc thi sắc đẹp được xác định là khoảng thập niên 1960 - 1970. Đến nay, những nước này dường như đã chán ngấy những cô nàng 3 vòng nảy nở với bikini và khoe nụ cười ỏn ẻn trong vòng 5 năm trở lại đây.

Năm 2015, Nielsen báo cáo rằng chương trình phát sóng cuộc thi hàng năm của đài Fox chỉ có 6,2 triệu người xem, ít hơn một triệu người xem so với năm trước đó.
Năm 2015, Nielsen báo cáo rằng chương trình phát sóng cuộc thi hàng năm của đài Fox chỉ có 6,2 triệu người xem, ít hơn một triệu người xem so với năm trước đó.

Tương tự, tại Trung Quốc, các cuộc thi nhan sắc không còn là mối quan tâm của khán giả, phải xếp sau các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, thông tin giải trí… Trương Chí An, Giáo sư tại khoa Báo chí, Đại học Phúc Đán cho rằng, thị trường giải trí dịch chuyển theo hướng thần tượng hóa đã tác động không nhỏ đến sự lựa chọn của những cô gái trẻ. “Những năm trở lại đây, những cô gái xinh đẹp, tài năng không còn mặn mà với các đấu trường nhan sắc. Thay vào đó họ tìm kiếm cơ hội đổi đời bằng cách gia nhập công ty giải trí, tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng, show thực tế”.

Tại Hồng Kông, cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông trở thành tâm điểm chê trách những năm gần đây khi chất lượng thí sinh giảm sút. Nhan sắc của các tân hoa hậu cũng không ngừng gây tranh cãi. Korea Times cho hay, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Hàn Quốc. Hoa hậu Hàn Quốc - cuộc thi uy tín hàng đầu cả nước một thời cũng đang đánh mất giá trị trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân vì cuộc thi vướng bê bối mua giải, thí sinh mặc phản cảm, tiêu chuẩn ngoại hình quá cao, phi thực tế.

Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự thiếu an toàn trong khâu tổ chức đã khiến một số đấu trường nhan sắc ngày càng giảm giá trị trong mắt công chúng. Tại cuộc thi Miss Eco International, hơn nửa thí sinh bị nhiễm nCoV nhưng bị ban tổ chức bỏ mặc. Đêm chung kết vẫn diễn ra như không có chuyện gì nghiêm trọng. Vụ việc gây bức xúc đến mức giám đốc quốc gia Miss Eco International ở Thái Lan, Nhật Bản, Peru đồng loạt tẩy chay cuộc thi.

Thông báo về việc cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 71 sẽ được dời lịch sang quý một của năm 2023.
Thông báo về việc cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 71 sẽ được dời lịch sang quý một của năm 2023.

Có thể nói, đại dịch khiến cuộc thi nhan sắc buộc phải thay đổi cách thức tổ chức, chiến lược truyền thông lẫn cách lôi kéo thí sinh và khán giả. Trước tình hình đó, ngày 2/9 vừa qua, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới cũng đã gửi email cho toàn bộ các giám đốc quốc gia thông báo về lịch tổ chức kỳ thi tiếp theo của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2022. Theo đó, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 71 sẽ không tổ được tổ chức vào cuối năm 2022 như dự kiến mà sẽ được dời lịch sang quý một của năm 2023.

Trên một số diễn đàn sắc đẹp quốc tế, có thông tin cho rằng Puerto Rico và Việt Nam có thể là hai địa điểm đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 71. Tuy nhiên, hiện tại, đại diện tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới vẫn chưa lên tiếng về thông tin này. Các chuyên trang sắc đẹp uy tín cũng cho biết, phía ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới đang bàn bạc để đưa ra những thông tin chính thức như thời gian, địa điểm tổ chức để các fan sắc đẹp yên tâm.