09:39 20/03/2024

Cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh: “Có đủ tiền trả cho nhà đầu tư”

Đỗ Mến

Khai báo trước tòa, cựu Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh – Đỗ Anh Dũng nói thâm tâm bị cáo chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư...

Ông Đỗ Anh Dũng khai báo tại tòa.
Ông Đỗ Anh Dũng khai báo tại tòa.

Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.

THỪA NHẬN TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Quá trình thẩm vấn, ông Đỗ Anh Dũng – cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh thừa nhận mình là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu và giao cho con trai là bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn.

Theo cáo buộc, ông Dũng đã đồng ý, phê duyệt cho triển khai thực hiện những nội dung như: lựa chọn công ty (gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, CTCP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, CTCP Cung điện Mùa Đông) thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành, giá trị dự kiến phát hành, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Công ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư …. để huy động tiền của người mua trái phiếu.

Trình bày tại tòa, ông Dũng cho biết, thời điểm năm 2021, nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh cần nhiều, nguồn vốn vay từ ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu vốn của Tập đoàn. Thời điểm đó, việc huy động trái phiếu cũng trở thành nguồn huy động vốn hiệu quả của nhiều doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu cỡ 1 triệu tỷ đồng.

“Tôi hiểu rõ kênh trái phiếu hiệu quả vì nếu vay vốn ngân hàng lãi suất 14-15%, còn phát hành trái phiếu khoảng 11-12%. Khi giao cho Việt phát hành trái phiếu là chủ trương chung, bản thân tôi không nắm được các chi tiết xem việc phát hànht trái phiếu đó có phải là phương án tạo dựng, hợp thức hóa hay không”, ông Dũng khai báo.

Tòa chất vấn “có việc các bị cáo chạy dòng tiền ảo không?”, ông Dũng nói: “Thực tế 3 công ty (Ngôi sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông - PV) đều là của tôi, Tân Hoàng Minh cũng thuộc 100% sở hữu của tôi”.

“Tất cả bị cáo đều khai báo phương án phát hành trái phiếu là tạo dựng, không có việc hợp tác; rồi chạy dòng tiền ảo để Tân Hoàng Minh mua lại?”, tòa hỏi lại. Cựu Chủ tịch Tân Hoàn Minh đáp: “Tôi nghĩ là có. Nếu nói về trách nhiệm, tôi là người điều hành cao nhất, tôi có trách nhiệm đối với những sai phạm. Tôi tôn trọng bản kết luận điều tra và cáo trạng”.

Trả lời câu hỏi về việc tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu được chi dùng như thế nào ông Đỗ Anh Dũng khai không nắm được chi tiết, nhưng cho biết, đa phần tiền đó đều được sử dụng không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Vẫn theo lời khai của Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ngay từ khi phát hành trái phiếu, thâm tâm bị cáo chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Bản thân bị cáo chỉ muốn huy động tiền để kinh doanh, đầu tư, chi phí thanh toán cho nhà thầu.

Hội đồng xét xử đặt câu hỏi với bị cáo: “Việc huy động tiền như vậy có đúng pháp luật không”. Bị cáo trình bày:“Tại thời điểm đó, hiểu biết của tôi về phát hành trái phiếu là chưa đầy đủ, bây giờ tôi biết như vậy là sai”.

Vẫn theo lời khai của ông Đỗ Anh Dũng, sau khi bị khởi tố, bắt giam, bị cáo chỉ được gặp gia đình 2 lần nhưng đã rất tích cực nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Trong hơn 1 năm, bị cáo đã tìm mọi cách và đến nay đã khắc phục được toàn bộ hậu quả vụ án, thậm chí còn nộp thừa hơn 1 tỷ đồng. “Số tiền đó đủ để trả cho các bị hại”, ông Dũng khai báo.

NHÀ ĐẦU TƯ ĐÒI TIỀN GỐC VÀ LÃI

Chiều 19/3, Hội đồng xét xử xét hỏi các nhà đầu tư. Trong vụ án này, tòa án triệu tập hơn 6.000 bị hại là các nhà đầu tư mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.

Các bị hại đăng ký thủ tục tham dự phiên tòa vào sáng 18/3.
Các bị hại đăng ký thủ tục tham dự phiên tòa vào sáng 18/3.

Theo tòa án, trong giấy triệu tập các bị hại đến tòa đều có ghi đầy đủ thông tin về số tiền bị chiếm đoạt. Nếu người bị hại nào thấy con số chênh lệch thì có thể ý kiến với tòa để được giải quyết.

Tòa lưu ý, tên tuổi của người bị hại phải phù hợp với tên tuổi trong CMND, CCCD, hộ chiếu mà trước đó người bị hại đã cung cấp cho Tân Hoàng Minh khi mua trái phiếu. Nếu có thay đổi, người bị hại cần xin xác nhận để sau này dễ dàng cho việc giải quyết đền bù thiệt hại. Trường hợp người bị hại thấy có thông tin của mình bị sai sót thì phải báo lại cho thư ký tòa để điều chỉnh cho đúng.

Trình bày tại tòa, ông Nguyễn Tiến C. cho biết, ông bị hỏng cả hai mắt, đã mang số tiền tích lũy cả đời là hơn 1 tỷ đồng để mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Ông yêu cầu được bồi hoàn lại số tiền.

Bà Nguyễn Thị Tố N. cho biết, nhóm của bà có 121 người, trong đó 60% là người cao tuổi, 30% là người bị bệnh tật; có người chưa được nhận lại tiền đã phải ra đi vĩnh viễn.

Đại diện cho nhóm 121 người, bà mong tòa giải quyết để được nhận lại tiền gốc đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngay tại tòa này, còn lại phần lãi suất theo hợp đồng với Tân Hoàng Minh, bà mong quý tòa lưu ý giúp. “Chúng tôi 6.630 người bị hại ở đây là vài chục ngàn gia đình. Có những gia đình tan nát, con cái phải dừng việc học hành, rất mong quý tòa giải quyết cho chúng tôi được nhận tiền gốc, tiền lãi và tiền lãi phạt. Bản thân tôi phải điều trị bệnh mất ngủ, bệnh dạ dày, thiệt hại không thể đo đếm được”, bà N. trình bày.

Chị Bùi Thị Việt H. là người được người chồng ngoại quốc ủy quyền đại diện cũng trình bày mong muốn được nhận lại tiền đã đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh. Chị H. viện dẫn Điều 106 Luật Tố tụng hình sự để cho rằng, tiền khắc phục hậu quả vụ án cũng là tang vật vụ án đã bị tạm giữ khá lâu trong khi hoàn toàn có thể xử lý, trả cho những người bị hại.

Còn bà Phạm Thị T., là người đại diện cho một công ty đã chi 254 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh cũng đưa ra đề nghị đối với các bị cáo và tổ chức cá nhân liên quan trả lại tiền gốc và tiền lãi.