Cựu giảng viên lọt top nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc nhờ kinh doanh xà phòng
Bà Pan Dong hiện nắm giữ 77% cổ phần tại hãng sản xuất xà phòng Blue Moon, tương đương 8,6 tỷ USD
Từng là một giảng viên đại học tại Quảng Châu (Trung Quốc), giờ đây bà Pan Dong là một trong những phụ nữ giàu nhất nước này. Nữ doanh nhân 55 tuổi hiện là chủ tịch của hãng sản xuất xà phòng Blue Moon Group Holdings Ltd. và là vợ của người sáng lập công ty - Luo Qiuping.
Theo Bloomberg, vài năm trở lại đây, Blue Moon vượt qua các thương hiệu nước ngoài như Unilever Plc và Procter & Gamble Co. trở thành nhà sản xuất nước giặt số một tại Trung Quốc. Công ty này mới đây huy động được 1,3 tỷ USD khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Đây là một trong những thương vụ IPO trong lĩnh vực tiêu dùng lớn nhất tại Hồng Kông năm nay. Trong phiên chào sàn ngày 16/12, cổ phiếu Blue Moon đã tăng giá 13%.
Theo Bloomberg Billionaires Index, với 77% cổ phần tại Blue Moon, bà Pan hiện sở hữu tài sản 8,6 tỷ USD, là một trong những nữ tỷ phú giàu nhất tại Trung Quốc.
Cơ nghiệp tỷ USD của vợ chồng nữ cựu giáo viên bắt đầu từ một cuộc điện thoại. Đó là thời điểm khoảng 10 năm trước, khi Pan và chồng gọi điện cho Zhang Lei, chủ tịch công ty đầu tư Hillhouse Capital Management Ltd., để trình bày về việc họ đã phát triển được một trong những loại nước giặt đầu tiên của Trung Quốc và đề nghị đầu tư.
Khi đó, Blue Moon có tài chính ổn định nhưng vẫn là một công ty nhỏ. Sau cuộc điện thoại trên, Zhang đã trở thành nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của Blue Moon và khuyên vợ chồng bà Pan mở rộng phát triển thị trường cho sản phẩm của mình.
Sau khoảng thời gian đầu chịu lỗ do chi phí phát triển sản phẩm cao hơn trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, những nỗ lực của vợ chồng bà Pan đã được đền đáp. Blue Moon đã nhanh chóng có lãi trở lại. Tới năm 2020, công ty này càng làm ăn phát đạt khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm làm sạch và khử trùng tăng vọt.
"Blue Moon là một ví dụ điển hình về một thương hiệu nội địa đánh bại các thương hiệu đa quốc gia tại Trung Quốc", nhà đầu tư Zhangsaid của Hillhouse nhận xét khi đề cập tới việc mở rộng sang thị trường xà phòng của công ty.
Hillhouse đã đầu tư tổng cộng 46 triệu USD vào Blue Moon qua hai vòng gọi vốn. Tính theo giá cổ phiếu Blue Moon phiên 16/12, giá trị khoản đầu tư này là 960 triệu USD, tương đương tỷ suất lợi nhuận 2.100%.
Được mệnh danh là "P&G của Trung Quốc", Blue Moon ghi nhận doanh thu năm 2019 tăng lên 7 tỷ Đôla Hồng Kông (909 triệu USD), còn lợi nhuận tăng gần gấp đôi lên 1,1 tỷ Đôla Hồng Kông. Dù đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc phải áp lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực và hầu hết cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa, lợi nhuận của Blue Moon vẫn tăng tới 39% trong nửa đầu năm với gần 60% doanh thu đến từ các kênh trực tuyến.
Bà Pan tốt nghiệp Đại học Vũ Hán với bằng thạc sĩ ngành hóa hữu cơ năm 1987 và từng giảng dạy tại một đại học ở Quảng Châu. Năm 1994, bà bắt đầu làm việc tại Blue Moon, hai năm sau khi công ty này ra mắt sản phẩm tẩy rửa đầu tiên. Sau đó, bà mua lại cổ phần của người sáng lập Luo và cha của Luo để "khai thác tốt hơn" những kiến thức về quản trị và công nghệ của mình.
Khi Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư bắt đầu hứng thú với các cổ phiếu tiêu dùng - lĩnh vực đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ tại nước này. Cổ phiếu của Blue Moon khi IPO được các nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua vượt mức tới hơn 300 lần.
IPO của nhiều công ty trong lĩnh vực này cũng thu hút đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Cổ phiếu của hãng sản xuất nước đóng chai Nongfu Spring Co. đã tăng gần gấp đôi kể từ khi chào sàn hồi tháng 9. Còn cổ phiếu hãng dược trực tuyến JD Health International Inc. cũng tăng giá hơn 55% trong phiên chào sàn đầu tháng này.