CW dự kiến đưa vào giao dịch trên sàn HOSE từ 28/6
Với những lợi điểm của mình, CW được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo dự kiến, ngày 28/6/2019, chứng quyền có bảo đảm sẽ được niêm yết và đưa vào giao dịch trên sàn HOSE, nhằm đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, từ đó tạo thêm sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết room.
Để chuẩn bị cho việc triển khai sản phẩm mới này, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các công ty chứng khoán để cập nhật, sửa đổi, bổ sung các thông tin trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền có bảo đảm, tiếp tục thử nghiệm hệ thống, rà soát các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro để đảm bảo việc giao dịch chứng quyền không ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, chủ động tổ chức giới thiệu, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư liên quan đến giao dịch chứng quyền có bảo đảm.
Chứng quyền có bảo đảm (CW) là một sản phẩm tài chính phổ biến trên thế giới, thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch, đặc biệt là tại các thị trường châu Á như Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc... Tại Việt Nam, khi CW chính thức đi vào hoạt động, với những lợi điểm của mình, CW được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ nhất, CW sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên thị trường chứng khoán vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Đồng thời mở ra một kênh giao dịch mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể linh hoạt thực hiện chiến lược giao dịch của mình, tìm kiếm được suất sinh lợi cao hoặc thực hiện phòng ngừa rủi ro với chi phí thấp do đặc tính nổi bật nhất của CW chính là tính đòn bẩy cao.
Thứ hai, vì CW không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tài sản cơ sở của CW là các cổ phiếu đơn lẻ nên CW sẽ là công cụ góp phần giải quyết bài toán hết room đối với nhà đầu tư nước ngoài điều này sẽ tạo động lực để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch từ đó sẽ góp phần nâng cao thanh khoản cho thị trường.
Thứ ba, việc tham gia phát hành CW của công ty chứng khoán sẽ bổ sung thêm nhiều mảng nghiệp vụ hoạt động cho chính công ty chứng khoán như nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư, hoạt động tạo lập thị trường, hoạt động quản trị rủi ro... từ đó tạo ra nguồn thu đa dạng hơn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của công ty chứng khoán. Mặt khác, để trở thành tổ chức phát hành CW, các công ty chứng khoán phải đầu tư hệ thống, cơ sở vật chất công nghệ hiện đại cũng như nguồn nhân lực chất lượng nhằm thực hiện các nghiệp vụ phức tạp và đặc thù như thiết kế sản phẩm, hoạt động phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến thời điểm này, tất cả các khâu để sẵn sàng cho CW chính thức giao dịch cũng đã hoàn tất. Trên nền tảng của Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch Chứng quyền có bảo đảm, các văn bản pháp quy đã được ban hành và có hiệu lực, hình thành khung pháp lý quy định và hướng dẫn đầy đủ để đảm bảo các hoạt động của sản phẩm Chứng quyền an toàn.
Các văn bản quy định liên quan đến sản phẩm bao gồm: Thông tư 23/2018/TT-BTC về chế độ kế toán; Công văn 1468/BTC-CST về chính sách thuế; Quy chế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Quyết định số 72/QĐ-UBCK; và các Quy chế của HOSE, VSD.
Bên cạnh đó hệ thống giao dịch cũng đã được kết nối thử nghiệm với các công ty chứng khoán nhiều lần để đảm bảo sự sẵn sàng. Danh sách cổ phiếu cơ sở cho chứng quyền có bảo đảm cũng đã được công bố và cập nhật thường xuyên, các công ty chứng khoán cũng đã chuẩn bị đầy đủ về hệ thống, nhân sự và năng lực tài chính sẵn sàng đi vào hoạt động.
Công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức cho thành viên thị trường và nhà đầu tư cũng được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2017 và 2018 trên cả hai miền Nam và Bắc. Và để chuẩn bị cho ngày khai trương chính thức, hiện tại, các tổ chức phát hành cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ phát hành để Ủy ban Chứng khoán nhà nước phê duyệt.
Tuy nhiên, CW cũng tồn tại những mặt hạn chế và rủi ro nhất định, mà các nhà đầu tư hay chính những tổ chức phát hành cần lưu ý.
Đối với các công ty chứng khoán, để có thể trở thành tổ chức phát hành CW, các công ty phải có tiềm lực tài chính vững mạnh để đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, phần mềm. Quy định pháp luật còn yêu cầu tổ chức phát hành phải ký quỹ ban đầu tối thiểu 50% giá trị loại chứng quyền dự kiến chào bán để đảm bảo khả năng thanh toán.
Đây là một khoản chi phí lớn trong quá trình phát hành CW. Ngoài ra, trong quá trình phát hành sản phẩm, công ty chứng khoán còn phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro cho sản phẩm CW mà mình phát hành.
Về phía nhà đầu tư tham gia giao dịch CW, đòn bẩy tài chính là "con dao hai lưỡi", nhà đầu tư có thể bị gia tăng mức độ thua lỗ do tác động ngược của đòn bẩy tài chính.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn chịu rủi ro biến động giá, vòng đời giới hạn của CW, rủi ro từ tổ chức phát hành bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi CW đáo hạn, hay khi nhà đầu tư thực hiện quyền. Nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng quyền, quy định pháp luật cũng không cho phép nhà đầu tư được thực hiện giao dịch ký quỹ đối với CW.
Có 3 điều nhà đầu tư cần phải lưu ý khi tham gia sản phẩm CW. Một là, cần phải hiểu biết về sản phẩm để sử dụng CW một cách đúng đắn cho những mục đích thích hợp.
Hai là, xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng CW là để tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận đầu tư, hay phòng ngừa rủi ro biến động giá tài sản cơ sở.
Ba là, cần phải tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành về năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, cũng như thông tin về đợt phát hành chứng quyền, theo dõi các thông tin giao dịch trên thị trường và lựa chọn sử dụng dịch vụ (môi giới, tư vấn) của những tổ chức kinh doanh chứng khoán đáng tin cậy.