Đã chi hơn 140.000 tỷ đồng lương hưu, trợ cấp
Quỹ hưu trí và tử tuất đã chi trả cho hơn 2,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trong năm 2022, với số tiền hơn 141,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ…
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2022.
Theo đó, tổng số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo năm 2022 là hơn 1,14 triệu người, giảm 2,68% (giảm hơn 31,4 nghìn người) so với năm 2021; số chi là hơn 46,87 nghìn tỷ đồng, tăng 3,52% (tăng gần 1,6 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.
Về việc chi trả chế độ bảo hiểm xã hội từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội trong năm 2022, riêng quỹ hưu trí và tử tuất đảm bảo chi trả cho hơn 2,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, tăng 3,08% so với năm 2021, số tiền chi trả trong năm là hơn 141,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,72% so với năm 2021.
Số tiền đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là hơn 62 nghìn tỷ đồng, tăng 9,24% so với năm 2021. Kinh phí chi trả trợ cấp một lần là hơn 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,25% so với năm 2021.
Cũng trong năm 2022, số phát sinh tăng của quỹ hưu trí và tử tuất là hơn 343 nghìn tỷ đồng, số phát sinh giảm của quỹ là hơn 240,5 nghìn tỷ đồng, ước kết dư quỹ hưu trí và tử tuất chuyển sang năm 2023 là hơn 988,4 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 4 lần với số phát sinh giảm của năm 2023.
Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022); từ 12,5% - 20,8% (năm 2023) trên mức lương hưu hiện hưởng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu từ năm 2022 như sau: Đối với lao động nam nghỉ hưu, cứ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đối với lao động nữ nghỉ hưu, cứ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện có 4 trong số 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Trong đó, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, có 217 người tham gia với tổng giá trị tài sản ròng là 73,54 tỷ đồng; Công ty quản lý quỹ đầu tư MB triển khai 2 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện có 673 người tham gia với tổng giá trị tài sản ròng là 11,16 tỷ đồng.
Đối với 2 công ty quản lý quỹ còn lại đang trong quá trình thành lập và triển khai các quỹ hưu trí.
Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về chính sách này. Qua 8 năm thực hiện, Thường trực Uỷ ban xã hội đánh giá chính sách này chưa đạt kết quả như mong muốn, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về việc thực hiện chính sách này.
Đồng thời, cần có quy định những nội dung mang tính chất nguyên tắc cơ bản về chế độ hưu trí bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tới đây, để bảo đảm tính minh bạch và làm căn cứ trong tổ chức thực hiện.