07:33 02/06/2022

Đã có 92,6% doanh nghiệp chuyển sang hóa đơn điện tử, cơ quan thuế dễ truy dấu gian lận

Ánh Tuyết

Tại buổi họp báo chuyên đề về hoá đơn điện tử chiều ngày 1/6, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đã có 92,6% doanh nghiệp và 100% cá nhân kinh doanh đăng ký, chuyển đổi sang hóa đơn điện tử...

Cán bộ ngành thuế thao tác nghiệp vụ trên hệ thống hóa đơn điện tử.
Cán bộ ngành thuế thao tác nghiệp vụ trên hệ thống hóa đơn điện tử.

Đề cập đến lợi ích của việc áp dụng hoá đơn điện tử, Bộ Tài chính cho hay, triển khai hoá đơn điện tử sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. 

Đồng thời, góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội. Mặt khác, phủ rộng hoá đơn điện tử cũng là giải pháp căn cơ để triệt tiêu hóa đơn giấy trôi nổi, từ đó, chống gian lận, thất thu thuế. Bộ Tài chính khẳng định, thực hiện hóa đơn điện tử là một đột phá lớn của ngành thuế.

DỄ DÀNG PHÁT HIỆN, XỬ LÝ GIAN LẬN

Liên quan đến công tác quản lý hoá đơn, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, bất kỳ hình thức hoá đơn nào, kể cả hoá đơn giấy hay hoá đơn điện tử đều có thể có gian lận.

Tuy nhiên, hoá đơn điện tử được lưu trên hệ thống, vì vậy, nếu có gian lận thì cơ quan thuế sẽ có biện pháp quản lý rủi ro để thanh kiểm tra. Theo đó, cơ quan thuế sẽ sử dụng các công nghệ như phân tích xu thế, dữ liệu lớn (big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện nhanh, xử lý triệt để vấn đề gian lận hoá đơn.

“Việc bán hoá đơn điện tử là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Đặng Ngọc Minh nói.

Còn theo thông tin từ ông Giang Văn Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đang phối hợp với Công an Hà Nội xử lý một trường hợp có dấu hiệu buôn bán hoá đơn qua mạng.

 

"Cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an khởi tố, răn đe cá nhân, tổ chức có hành vi buôn bán hoá đơn".

(Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế)

Trước đó, vào tháng 3/2021, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý hoá đơn điện tử, giao thoa trong quá trình chuyển đổi hoá đơn điện tử "khai tử" hoá đơn giấy, Lê Thị Hạnh cùng đồng bọn sử dụng 28 công ty “ma” để thực hiện mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng, trong đó có cả hoá đơn giấy và hoá đơn điện tử. 

Tổng doanh thu số hàng hoá dịch vụ ghi trên hoá đơn bước đầu xác định gần 1.554 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng trên 155 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, hóa đơn điện tử là một loại hình hóa đơn mới, do đó, khi được triển khai, nhiều người nộp thuế còn chưa nắm rõ được nội dung, lợi ích trong việc áp dụng.

Vì vậy, ngành thuế xác định công tác tuyên truyền là nội dung quan trọng được triển khai ngay từ giai đoạn chuẩn bị triển khai, với việc phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong việc tuyên truyền với nhiều các hình thức như tờ rơi, thư ngỏ của cơ quan thuế, áp phích cổ động...

Chính việc triển khai rộng khắp công tác tuyên truyền góp phần giúp người nộp thuế nắm bắt và phối hợp cùng cơ quan thuế trong triển khai hóa đơn điện tử.

Mặt khác, do việc triển khai hóa đơn điện tử thực hiện trên toàn quốc, trong đó, các địa bàn có tình hình kinh tế xã hội khác nhau, do đó, ngành thuế chủ động phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Việc hỗ trợ người nộp thuế kịp thời tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng khi triển khai áp dụng hoá đơn điện tử cũng là vấn đề mà ngành thuế xác định và triển khai ngay từ khi bắt đầu.

Vì vậy, các Trung tâm điều hành tại Tổng cục Thuế, 63 Cục Thuế và thành lập các Tổ xử lý vấn đề tại từng Chi cục Thuế sớm được thành lập, để nhanh chóng nắm bắt các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của người nộp thuế trong triển khai bảo đảm việc triển khai không gây ảnh hưởng, khó khăn cho người nộp thuế.

CHẠY NƯỚC RÚT TRONG MỘT THÁNG

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định hóa đơn chứng từ, Bộ Tài chính phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 triển khai tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ từ ngày 21/11/2021.

Giai đoạn 2 triển khai tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.

Tính đến ngày 24/5, công tác triển khai hóa đơn điện tử đạt được những kết quả ấn tượng.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết số lượng người nộp thuế là doanh nghiệp giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố đạt 100% doanh nghiệp đang hoạt động. Còn giai đoạn 2 đạt 309.243 doanh nghiệp tại 57 tỉnh, thành phố, tương đương 83,6% tổng số doanh nghiệp.

Đối với số lượng người nộp thuế là cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai, giai đoạn 1, 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai tại 6 tỉnh, thành phố triển khai thành công hoá đơn điện tử. Giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố, 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã áp dụng, tương ứng 30.489 cá nhân kinh doanh.

Như vậy, có thể thấy, mục tiêu 90% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh triển khai hoá đơn điện tử đến hết 31/05 đã hoàn thành và mục tiêu đạt 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử đến hết ngày 30/6 là hoàn toàn trong tầm tay.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trao đổi tại buổi họp báo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trao đổi tại buổi họp báo.
 

Như vậy trên cả nước, có 764.314 doanh nghiệp, tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, khoảng 1,8 triệu hộ gia đình kinh doanh gặp khó khăn trong kế toán chuyên nghiệp, do đây chủ yếu là các hộ nộp thuế theo hình thức khoán.

Dù vậy, đến nay cũng có khoảng 500.000 hộ kinh doanh chuyển sang dùng hoá đơn điện tử.

Số lượng hóa đơn cơ quan thuế tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5 là hơn 318 triệu hóa đơn, trong đó, hóa đơn có mã là hơn 106 triệu hóa đơn.

Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế đạt hơn 41 triệu hóa đơn. Trong đó, hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế là gần 171 triệu hóa đơn còn hóa đơn theo lần phát sinh là 326 hóa đơn.

Đáng chú ý, "thời gian để phản hồi một hoá đơn điện tử từ hệ thống cơ quan thuế chỉ là 1/10 giây”, ông Minh cho hay.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng khuyến khích người dân khi mua hàng hoá, dịch vụ lấy hoá đơn điện tử. Đề án về triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” dành cho hóa đơn điện tử với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ. Qua đó, bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, thúc đẩy báo cáo thuế hợp pháp, khắc chế "kẽ hở" trốn thuế.

Sau giai đoạn thí điểm (kỳ 1 và kỳ 2), Tổng cục Thuế sẽ sơ kết công tác tổ chức và điều chỉnh tần suất thời điểm tổ chức kỳ quay, mở rộng cơ cấu giải thưởng và giá trị phù hợp các giải thưởng nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của người tiêu dùng đối với hóa đơn điện tử.