09:01 01/06/2022

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước

Quang Trung

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, ngày 1/6 và 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022...

Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 1/6 - Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 1/6 - Ảnh: Quochoi.vn

Quốc hội cũng sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Một số thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo một số số liệu vừa được công bố, tình hình kinh tế vĩ mô đang ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.

Năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, GDP quý 4 tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó, đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thu ngân sách Nhà nước tăng 16,8% so với dự toán, bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép. Cùng với đó, xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD thay vì ước tính nhập siêu 2 tỷ USD; mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng trưởng, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai tích cực, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, ổn định xã hội.

Những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng như thu ngân sách 5 tháng tăng 18,7%, xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ. FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 10,4%.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đạt 98.600 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 22,6% so với cùng kỳ.

Khách quốc tế tháng 5 tăng hơn 70% so với tháng trước, 5 tháng tăng 350% so với cùng kỳ. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được S&P nâng bậc tín nhiệm dài hạn kể từ đầu năm đến nay. S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Tổ chức này đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid-19.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình hình kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro,  kiểm soát lạm phát gặp khó khăn.

Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Cùng với đó, giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.

Ủy ban Kinh tế lưu ý giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.