Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu từ xu hướng chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh
Trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng với xu hướng chuyển dịch xanh, tiêu dùng xanh toàn cầu, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thích ứng với các thị trường bền vững, đặc biệt tại khu vực Bắc Âu, trở thành yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng cơ hội và đối phó với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng…

Việc tìm kiếm thị trường mới không chỉ dừng lại ở yếu tố địa lý hay quy mô tiêu dùng mà còn đòi hỏi sự thích ứng với những xu hướng phát triển của thị trường đó. Tại thị trường Bắc Âu gồm các quốc gia Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan và Iceland, một trong những xu hướng nổi bật hiện nay chính là chuyển dịch xanh, kinh tế tuần hoàn và thị hiếu tiêu dùng có trách nhiệm.
ĐI ĐẦU TRONG TƯ DUY, HÀNH ĐỘNG XANH, PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM KHÔNG PHÁT THẢI CARBON
Chuyển đổi xanh và trung hòa carbon là ưu tiên trọng tâm của thị trường Bắc Âu. Các nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng các công ty Bắc Âu có thể đóng góp tới 140 tỷ USD vào GDP khu vực và tạo ra gần một triệu việc làm mới nhờ vào quá trình chuyển đổi này. Trong nhiều lĩnh vực, các quốc gia Bắc Âu đã và đang dẫn đầu phát triển các sản phẩm không phát thải carbon.
Trên thực tế, các nước Bắc Âu sở hữu những điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển năng lượng tái tạo, từ nguồn gió ngoài khơi của Đan Mạch, hệ thống sông hồ phong phú ở Na Uy và Phần Lan đến năng lượng địa nhiệt dồi dào của Iceland. Tuy nhiên, yếu tố quyết định thành công lại nằm ở chính sách của các chính phủ, theo nghiên cứu của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung.
Năm 2019, năm quốc gia Bắc Âu đã ký tuyên bố chung, cam kết đạt trung hòa carbon trong những thập kỷ tới. Đáng chú ý, các quốc gia này không chỉ phát triển năng lượng tái tạo để sử dụng trong nước mà còn đặt mục tiêu trở thành những nhà xuất khẩu năng lượng sạch và công nghệ xanh hàng đầu thế giới. Tư duy chiến lược này được hỗ trợ bởi một thị trường điện năng liên kết cao (trừ Iceland), tạo điều kiện chia sẻ nguồn cung và cân bằng năng lượng xuyên biên giới.

Đan Mạch là quốc gia tiên phong trong phát triển điện gió với lịch sử đầu tư từ những năm 1970. Từ việc xây dựng tua-bin nhiều megawatt đầu tiên trên thế giới vào năm 1978 đến việc khánh thành trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên vào năm 1991, Đan Mạch hiện đã trở thành quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu công nghệ điện gió, đóng góp hàng tỷ đô la mỗi năm và tạo ra hàng ngàn việc làm.
Hiện tại, hơn 70% điện năng tiêu thụ tại Đan Mạch đến từ gió, mặt trời và sinh khối tái tạo. Quốc gia này đặt mục tiêu giảm 70% khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Các chính sách tiêu biểu bao gồm chương trình PtX (Power-to-X), đầu tư sản xuất hydro xanh và kế hoạch vận hành các tuyến bay nội địa 100% bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Là nền kinh tế lớn nhất Bắc Âu, Thụy Điển duy trì cơ cấu năng lượng độc đáo với 75% điện sản xuất từ thủy điện và hạt nhân. Nhờ lợi thế tài nguyên và chính sách thuế carbon hiệu quả, Thụy Điển đã đạt được tiến bộ lớn trong việc giảm phát thải mà không hy sinh tăng trưởng kinh tế.
Đạo luật Khí hậu 2021 của nước này đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045, thông qua giảm phát thải nội địa ít nhất 85% và phần còn lại đến từ biện pháp bổ sung như thu giữ carbon và hợp tác quốc tế. Một trong những điểm nhấn là cam kết thay thế dần năng lượng hạt nhân và sinh khối bằng điện gió.
Mặc dù là nước xuất khẩu dầu khí lớn nhưng Na Uy lại có hệ thống điện gần như 100% tái tạo nhờ nguồn thủy điện dồi dào từ địa hình đồi núi và mạng lưới sông hồ. Năng lực lưu trữ nước trong các hồ chứa cũng giúp Na Uy đóng vai trò "pin năng lượng" cho khu vực Bắc Âu, cung cấp điện ổn định vào những ngày gió yếu hoặc thiếu nắng.
Na Uy cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ xe điện, chiếm 65% tổng số xe bán ra năm 2021. Mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 55% lượng khí thải và đến năm 2040 sẽ có thêm 30 GW điện gió ngoài khơi- gần tương đương với tổng sản lượng điện hiện tại của nước này.
Phần Lan tận dụng thế mạnh từ rừng (chiếm 75% diện tích lãnh thổ) để sản xuất năng lượng tái tạo từ sinh khối gỗ và phụ phẩm công nghiệp. Hiện tại, hơn 50% điện năng được sản xuất từ nguồn tái tạo, chủ yếu là thủy điện, sinh khối và ngày càng nhiều điện gió. Điện hạt nhân chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng. Phần Lan đặt mục tiêu trung hòa carbon sớm nhất trong khu vực là vào năm 2035 và thậm chí sẽ trở thành quốc gia "carbon âm" sau đó.
Iceland nổi bật với gần như toàn bộ điện và sưởi ấm được cung cấp từ thủy điện và địa nhiệt- đây là một kỷ lục toàn cầu. Quốc gia này cam kết trung hòa carbon vào năm 2040 và giảm phát thải 40% vào năm 2030. Ngoài việc chuyển đổi sang xe điện và cải tiến công nghệ công nghiệp, Iceland cũng đầu tư vào nghiên cứu công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon để giảm áp lực lên các ngành truyền thống.
XU HƯỚNG TIÊU DÙNG XANH VÀ NHÃN SINH THÁI BẮC ÂU
Các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt cũng là thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện một loạt chính sách xanh để thúc đẩy tiêu dùng xanh và phát triển thị trường bền vững.
Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) bắt đầu từ năm 2019 không chỉ thúc đẩy tiêu dùng bền vững mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm xanh, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ dàng chuyển sang các lựa chọn thân thiện với môi trường.
Bên cạnh EGD, chính sách "Từ nông trại đến bàn ăn" (Farm to Fork- F2F) của EU cũng đặt ra các mục tiêu nghiêm ngặt nhằm thay đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm trong khu vực. Một trong những mục tiêu chủ yếu của F2F là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và phân bón đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các phương pháp nông nghiệp bền vững.

Điều này cho thấy rõ ràng cam kết của các quốc gia Bắc Âu trong việc phát triển thị trường tiêu dùng bền vững và tạo ra tác động tích cực đến hành vi tiêu dùng của người dân.
Các chính sách này không chỉ tạo ra xu hướng tiêu dùng xanh mà còn giúp nâng cao chất lượng môi trường sống và sức khỏe cộng đồng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh có thể tiếp cận thị trường đang ngày càng ưu tiên sản phẩm bền vững tại Bắc Âu.
Đặc biệt, tại các quốc gia Bắc Âu, xu hướng "xanh hóa" đã được thể hiện rõ qua Nhãn sinh thái Bắc Âu (còn gọi là Nhãn thiên nga Bắc Âu). Nhãn này đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với sản phẩm tiêu dùng, giúp giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, Nhãn sinh thái Bắc Âu đã được cấp cho hơn 65.000 sản phẩm tại các quốc gia này.
Về thị hiếu người tiêu dùng, trong những năm gần đây, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ và bền vững. Báo cáo của Tổ chức Hữu cơ Quốc tế (IFOAM) (2022) chỉ ra rằng Bắc Âu là khu vực có tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm hữu cơ cao nhất thế giới.
Tại Đan Mạch, khoảng 12,1% tổng doanh thu từ thực phẩm đến từ các sản phẩm hữu cơ vào năm 2019 trong khi tại Thụy Điển thì con số này dao động trong khoảng 8-9%. Dự báo nhu cầu về thực phẩm hữu cơ tại các quốc gia Bắc Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.
Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ, thói quen ăn uống tại Bắc Âu cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Một cuộc khảo sát tại Na Uy vào năm 2020 cho thấy hơn 1/3 người tiêu dùng cho biết họ đang cố gắng giảm tiêu thụ thịt và thay thế bằng các sản phẩm từ thực vật hoặc thủy sản.
Dữ liệu từ Euromonitor International (2021) cũng chỉ ra rằng Thụy Điển có tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm thay thế thịt cao nhất ở châu Âu, với khoảng 12% người tiêu dùng chọn các sản phẩm này thay vì thịt động vật. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các sản phẩm thực phẩm từ thực vật, đặc biệt là những sản phẩm có hàm lượng protein cao.
Không chỉ thay đổi trong lựa chọn thực phẩm, người tiêu dùng Bắc Âu còn sẵn sàng trả giá cao hơn để đảm bảo rằng các sản phẩm họ mua không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn bảo vệ môi trường. Theo một báo cáo của Euromonitor International (2021), người tiêu dùng Bắc Âu sẵn sàng trả thêm từ 20-50% giá bình thường để mua các sản phẩm thân thiện với môi trường và công bằng xã hội.
“GIẤY THÔNG HÀNH” CHO CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU VÀO THỊ TRƯỜNG BẮC ÂU
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu có xu hướng tăng trưởng tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường, theo đánh giá của Bộ Công thương Việt Nam. Bắc Âu là khu vực tiêu dùng có thu nhập cao, dân số tuy không lớn nhưng lại nổi bật bởi mức sống cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng, môi trường và đạo đức trong chuỗi cung ứng.
Với xu hướng chuyển dịch xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại Bắc Âu thì đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam tái định vị và nâng cấp năng lực xuất khẩu. Nếu thích ứng tốt với các tiêu chuẩn và thị hiếu xanh này, hàng hóa Việt Nam không chỉ có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Âu mà còn khẳng định được thương hiệu bền vững Việt Nam trên toàn cầu.
Để làm được điều này, trước hết, doanh nghiệp cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng xanh. Doanh nghiệp cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất “giá rẻ” sang tư duy “sản xuất có trách nhiệm”, tiến hành tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nguyên vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học, tiết kiệm năng lượng, sử dụng bao bì xanh và tái chế, đồng thời bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là yếu tố ngày càng được các nhà phân phối Bắc Âu đánh giá cao.

Thứ hai, chủ động đạt các chứng nhận môi trường khu vực. Thay vì chờ đối tác yêu cầu, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu và đăng ký các chứng nhận quốc tế như Nhãn sinh thái Bắc Âu (Nordic Swan), Tiêu chuẩn hữu cơ EU (EU Organic), Chứng chỉ Fairtrade, Nhãn carbon thấp hay ISO 14001 về quản lý môi trường. Những chứng nhận này không chỉ là “giấy thông hành” vào thị trường Bắc Âu mà còn giúp nâng cao hình ảnh và giá trị sản phẩm Việt Nam.
Thứ ba, phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh. Nhu cầu đối với nông sản hữu cơ, thực phẩm từ thực vật và các sản phẩm có nguồn gốc bền vững đang tăng mạnh. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt khai thác thế mạnh về rau quả nhiệt đới, hạt điều, hồ tiêu, gạo hữu cơ hay chế phẩm từ đậu nành và dừa.
Thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công nghệ chế biến và bảo quản. Khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Bắc Âu khiến thời gian vận chuyển dài và chi phí logistics cao. Do đó, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu như sấy lạnh, cấp đông nhanh, đóng gói thông minh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng, duy trì chất lượng sản phẩm và giảm tỷ lệ hư hỏng.
Thứ năm, tham gia vào chuỗi giá trị năng lượng và công nghệ xanh. Ngoài lĩnh vực hàng hóa, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội trong hợp tác với doanh nghiệp Bắc Âu trong các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối), công nghệ tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải và tái chế nguyên liệu.
Việc học hỏi mô hình phát triển xanh của Bắc Âu không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực nội tại mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu công nghệ và dịch vụ trong tương lai...