15:47 10/06/2016

Đã đến “mùa vịt” chưa?

PV

 

Đã đến “mùa vịt” chưa? - Ảnh 1

Người miền Nam, đặc biệt là miền Tây, rất thích nấu ăn với nước dừa và nước cốt dừa. Kho thịt kho cá với nước dừa, bánh tằm cốt dừa, bánh chuối bánh khoai, loại chè nào cũng ăn với nước cốt dừa, cà-ri cốt dừa, xôi cũng nấu với nước dừa. Khẩu vị người Bắc không ưa các món quá ngọt béo, thế nhưng sau một thời gian sống chung và nếm thử đủ loại đồ ăn với dừa, tôi đâm ra nghiện. Mà nói một cách công bằng, nước dừa làm cho đồ ăn có vị ngọt rất thật thà, đậm đà mà lại thanh chứ không ngấy, hơn nữa đem nấu với thịt, cá lại loại bỏ được mùi tanh và làm thịt thật mềm. Vì thế nên "dừa" luôn làm tôi liên tưởng đến các món ăn miền Nam. Nếu bạn đã từng đọc "Những lối về ấu thơ" của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy, hẳn vẫn còn nhớ những dòng miêu tả khi đại gia đình rộn ràng chuẩn bị nấu nướng cho mâm cơm ngày Tết. Quả thực lối đi vào lòng người nhanh chóng và thuận tiện nhất vẫn là qua đường dạ dày, đúng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, hay ít nhất là đối với tôi. Nào món thịt vịt kho nước dừa, món thịt kho hột vịt, dưa giá, dưa món, củ kiệu cùng vô vàn các món ăn phương Nam khác. Cứ như chỉ cần nhắm mắt lại thôi là cả cái Tết miền Nam đã hiện ra trước mắt, và hình như tôi còn ngửi thấy được mùi nước sôi mới đun để nhặt lông gà lông vịt, ngai ngái lẫn lộn trong bao nhiêu mùi vị cuối năm. Tuy nhiên, mặc dù nghe hấp dẫn là thế nhưng tôi vẫn không thể phủ nhận khẩu vị miền Bắc bảo thủ của mình, bó tay đầu hàng trước những món quá béo ngọt. Vậy nên sau những lần "nếm" tới no căng bụng đồ ăn miền Nam, tôi quyết định chế lại cho hợp khẩu vị của mình hơn một chút.

Đã đến “mùa vịt” chưa? - Ảnh 2

Cụ thể là món thịt vịt om với những thớ thịt mềm dai này, ngấm kỹ nước dừa thanh ngọt, thơm phức mùi hành tỏi cùng lớp da hơi giòn giòn sem sém. Không cần thêm chút dầu mỡ nào, vì mỡ tích dưới da vịt sau khi đun chảy ra dư sức để rán vàng vịt (hay còn gọi là "mỡ nó rán nó" ấy mà!). Để ăn cùng chén cơm nóng, hay vào mùa hạ thì hãy ăn cùng bún lá và thật nhiều rau thơm nhé, trời hẳn sẽ không còn nóng như đổ lửa nữa đâu. Nguyên liệu: 2 người ăn
- 600gr thịt vịt (nên chọn phần có mỡ béo)
- 400ml nước dừa tươi
- 2 thìa cà phê ngũ vị hương
- 1 củ sả, đập dập
- 2 củ hành tím, băm nhuyễn
- 5 tép tỏi to, băm nhuyễn
- Muối, tiêu
- Rau ăn kèm (húng quế, mùi ta, xà lách,…)
Cách làm:
- Thịt vịt rửa sạch bằng rượu cho hết mùi tanh, chặt miếng bằng hai bao diêm, không chặt nhỏ quá. Ướp vịt với ngũ vị hương, hành, tỏi, sả, muối và tiêu, bọc kín để ngăn mát tủ lạnh 30 phút.
- Cho vịt vào nồi đáy dày, đổ nước dừa tươi xâm xấp thịt vịt, ướp tiếp trong ngăn mát tủ lạnh 15 phút nữa.
- Bắc nồi vịt lên bếp, đun lửa vừa tới khi sôi thì hạ lửa nhỏ, mở hé vung. Đun tới khi nước thịt cạn gần hết và vịt ra mỡ thì gắp vịt ra, lọc nước mỡ qua rây để tách riêng vụn hành, tỏi, sả.
- Cho lại vịt vào nồi cùng nước mỡ đã lọc, nêm nếm vừa ăn. Đun tới khi nước thịt cạn hết, rán vịt trực tiếp trong nồi bằng mỡ vịt đến khi thịt ngả màu vàng nâu.
- Thịt vịt chín mềm, màu nâu vàng, da hơi sém, không tanh, thơm mùi nước dừa và hành tỏi. Vịt ăn nóng với bún hoặc cơm.

Trần Mai Phương