15:42 21/05/2009

Đã hết “cửa” cho công cụ tìm kiếm mới?

Mai Phương

Với hàng loạt công cụ tìm kiếm trực tuyến đã và sắp được tung ra, liệu người sử dụng có cảm thấy bối rối trong việc chọn lựa?

Công cụ tìm kiếm có tên Wolfram Alpha.
Công cụ tìm kiếm có tên Wolfram Alpha.
Với hàng loạt công cụ tìm kiếm trực tuyến đã và sắp được tung ra, liệu người sử dụng có cảm thấy bối rối trong việc chọn lựa?

“Đại gia” phần mềm Microsoft cho hay, vài ngày tới họ sẽ giới thiệu một công cụ tìm kiếm mới, có tên gọi dự kiến là Kumo. Yahoo và Google thì đang tiếp tục nỗ lực nâng cấp công cụ tìm kiếm đã có của họ. Gần đây, một công ty khác đưa ra một công cụ tìm kiếm có tên Wolfram Alpha.

Ngoài những công cụ tìm kiếm được biết tới nhiều nhất như Google, Yahoo và Microsoft, nhiều công ty nhỏ cũng đang ra sức cạnh tranh để thu hút sự chú ý của người sử dụng. Vài công ty trong số này không chịu nhận mình là công cụ tìm kiếm, chủ yếu vì lý do không muốn bị đem ra so sánh với những “ông lớn” như Google.

Công cụ tìm kiếm có tên GoshMe cho rằng, hiện đang có tất cả khoảng nửa triệu công cụ tìm kiếm trực tuyến. Con số này nghe có vẻ cao, nhưng cũng không có bằng chứng nào để phủ nhận. Tuy vậy, có rất ít người lướt web sử dụng các công cụ tìm kiếm như Ask.com, Answer.com hay About.com.

Microsoft cho rằng, nếu công cụ tìm kiếm mới của hãng đem đến nhiều kết quả tìm kiếm phù hợp hơn so với Google hay Yahoo, người sử dụng sẽ chuyển sang dùng công cụ mới này. Nhưng điều này chưa chắc sẽ xảy ra.

Sử dụng Google đã trở thành thói quen của hơn 2/3 người dùng công cụ tìm kiếm ở Mỹ. Nhìn chung, Google được xem là công cụ tìm kiếm tốt nhất, mặc dù theo phân tích, kết luận này chỉ mang tính cảm quan. Chắc chắn, trong bất kỳ cuộc bỏ phiếu cho các công cụ tìm kiếm nào nếu có, Google sẽ giành đa số phiếu.

Công cụ tìm kiếm Kumo của Microsoft có thể tốt ngang với Google mặc dù Google liên tục cải thiện và bổ sung thêm các chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu Microsoft có thể thu hút được người sử dụng mới, dù công cụ tìm kiếm của hãng có “xịn” ngang ngửa với Google trong mắt những ai phải lên mạng để tìm kiếm thông tin.

Có một thứ văn hóa đã hình thành xung quanh Google, bao gồm cả công ty và sản phẩm công cụ tìm kiếm của công ty này, cũng như thứ văn hóa phát triển xung quanh hãng Apple cùng các sản phẩm Mac và iPhone của hãng. Lòng trung của người sử dụng thành không phải lúc nào cũng là một sản phẩm phụ của chức năng sản phẩm, mặc dù chức năng của sản phẩm thường tạo ra lòng trung thành của người sử dụng.

Microsoft không còn nhiều thời gian trong mảng kinh doanh công cụ tìm kiếm. Hãng hiện chỉ chiếm 8% thị phần trên thị trường công cụ tìm kiếm tại Mỹ, và tỷ lệ này còn đang co lại. Có khả năng, Microsoft muốn thành lập một liên minh với Yahoo để thách thức Google.

Tuy nhiên, nếu Microsoft nhận được phản hồi tích cực từ phía thị trường cho công cụ tìm kiếm Kumo, hãng sẽ từ bỏ ý định hợp tác với Yahoo, đồng nghĩa với việc Yahoo - công cụ tìm kiếm thứ hai sau Google mất đi một cơ hội phát triển quý giá, giống như khi công ty này từ chối lời chào mua lại từ Microsoft cách đây một năm.

Vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực kinh doanh công cụ tìm kiếm là tương lai của lĩnh vực này hầu như không có gì mới để mà khám phá, cho dù các kết quả tìm kiếm có trở nên chính xác hơn. Những thông tin mà Google đem lại đã quá đủ cho phần đông số người sử dụng muốn tìm kiếm thông tin trực tuyến.

Điều này cũng giống như đối với hành khách đi máy bay, việc bay ở độ cao 10.000 m và 11.000 m cũng chẳng có gì khác nhau. Độ cao có tăng thêm nữa đối với họ cũng chẳng có ý nghĩa gì, và họ chỉ cần biết là họ bay đủ cao để tới được nơi cần tới.

Lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến cũng đang phải đối mặt những vấn đề tương tự như trong lĩnh vực sản xuất con chip. Hai hãng chip Intel và AMD sản xuất ra những con chip mạnh đến nỗi, hầu như chẳng người dùng máy tính cá nhân nào có thể sử dụng hết sức mạnh của những con chip này.

Nhiều khả năng của chip Intel và AMD vì thế đã bị bỏ phí. Do vậy, việc tạo ra những con chip mới mạnh hơn chẳng có ý nghĩa gì nhiều với những người không thể chỉ ra được sự khác biệt. Thực tế này khiến chỉ có một số các công ty và những người chơi game là “kén cá chọn canh” khi mua máy tính cá nhân với bộ vi xử lý siêu mạnh.

Mới chỉ 3-4 năm trước, sự khác biệt giữa thế hệ chip này với thế hệ chip khác còn có ý nghĩa gì đó với người sử dụng máy tính cá nhân bình thường, nhưng tới nay, con chip nào cũng đã trở nên quá tuyệt vời với họ. Hầu như chẳng có ai quan tâm tới việc một sản phẩm chip mới của Intel có thể thực hiện 1 tỷ phép tính trong vòng 1 giây. Và cũng chẳng mấy ai biết điều đó có ý nghĩa gì!

Ở thời điểm hiện nay, việc tạo ra một công cụ tìm kiếm mới là một rủi ro lớn, xét tới chi phí khá tốn kém cho việc xây dựng và tiếp thị một sản phẩm trên thị trường được xem như đã bão hòa.

Thêm vào đó, không chỉ có chuyện người sử dụng mê Google hơn các công cụ khác, mà còn là vấn đề phần lớn người sử dụng không thể xác định sản phẩm tìm kiếm mới ra lò lúc này có tốt hơn nhưng công cụ đã có hay không.

(Theo Time)