20:26 19/01/2013

Đà Nẵng lên tiếng về kết luận của Thanh tra Chính phủ

Bảo Anh

UBND thành phố Đà Nẵng vừa chính thức có phản hồi sau những kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, người bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm vì đã có những sai phạm trong quản lý.<br>
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, người bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm vì đã có những sai phạm trong quản lý.<br>
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vừa ký văn bản phản hồi những kết luận của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm của lãnh đạo địa phương này.

Có 4 nội dung chính được UBND thành phố Đà Nẵng phản hồi, bao gồm việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; chuyển quyền sử dụng đất và thất thoát tại một số dự án cụ thể.

“Không có cơ sở”

Trước hết là về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau khi Thanh tra Chính phủ cho rằng, “công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu căn cứ, cơ sở, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu thực tế của địa phương. Tình trạng đất đai sau khi được san lấp, giải tỏa, chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất để hoang hóa lớn, ít dự án đầu tư được thực hiện”.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, kết luận trên là “không có cơ sở”. Bởi, tất cả các dự án mà Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra được thành phố tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được UBND thành phố ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Ngoài ra, quy hoạch tổng thể của thành phố Đà Nẵng có sự tham gia của các tổ chức tư vấn thiết kế trong và ngoài nước có kinh nghiệm. Đà Nẵng cũng có rất nhiều dự án đã, đang triển khai và đưa vào sử dụng… Tuy nhiên, do tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nên một số dự án chưa triển khai. Thành phố cho biết sẽ đôn đốc các nhà đầu tư sớm triển khai.

Về đấu giá và giao quyền sử dụng đất, trong khi Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm, trong đó nổi lên là tình trạng giao đất không qua đấu giá diễn ra phổ biến thì Đà Nẵng cũng cho rằng “không có cơ sở”.

Theo lãnh đạo Đà Nẵng, tất cả các trường hợp giao đất cho các tổ chức, cá nhân đều được công khai đấu giá và giao quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai tại các thời điểm tương ứng.

Cùng với đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất được các đơn vị công khai trên báo chí, đảm bảo đúng thời gian và các tiêu chí theo quy định: địa điểm xây dựng, các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch, diện tích, đơn giá, mục đích sử dụng đất, thời gian, địa điểm đăng ký… để các nhà đầu tư có thông tin đăng ký đấu giá.

Nội dung phản hồi tiếp theo là việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo UBND Đà Nẵng, chủ trương này đã thực hiện trong nhiều năm qua và đạt được nhiều hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai, mang lại hiệu quả về mặt xã hội rất lớn và giữ vững môi trường đầu tư. Các đơn vị liên quan đã thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết theo quy định. Các tổ chức, cá nhân chỉ liên hệ đến một đơn vị để làm thủ tục từ việc giải tỏa, bồi thường thiệt hại, bàn giao đất, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Tất cả các trường hợp được giao đất, người được giao quyền sử dụng đất đều phải nộp đủ tiền 100%, thiếu  một đồng cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Vấn đề này không thuộc quyền hạn và trách nhiệm của UBND thành phố.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, cách làm này của thành phố xuất phát từ nhu cầu khách quan, thực tiễn của địa phương, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, chương trình cải cách thủ tục hành chính, là yếu tố quan trọng trong việc Đà Nẵng xếp hạng cao 3 năm thứ nhì, 3 năm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về thủ tục hành chính công theo đánh giá của Bộ Nội vụ công bố tháng 5/2012.

Vì vậy, việc Thanh tra Chính phủ kết luận: “đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạm như: không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn... làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế”, theo UBND thành phố Đà Nẵng là không có cơ sở.

Đối với kết luận gây thất thoát đối với 6 dự án, UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, Thanh tra Chính phủ thanh tra 46 dự án, trong đó có một số dự án, đoàn thanh tra lấy giá đất của hội đồng thẩm định giá đất thành phố làm căn cứ chính rồi so với giá đất mà UBND thành phố quyết định có sự chênh lệch, đồng thời không tính mật độ xây dựng khi xác định giá đất để kết luận gây thất thoát là không có cơ sở.

Bởi lẽ, theo quy định, việc phê duyệt giá đất để thu tiền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Hội đồng thẩm định giá đất thành phố do UBND thành phố thành lập gồm đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Văn phòng UBND thành phố chỉ là bộ phận tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo UBND thành phố trong việc xem xét và quyết định giá đất. Chính vì điều này nên việc đồng ý giảm, tăng hoặc giữ nguyên giá đất theo đề nghị của hội đồng thẩm định giá đất là việc làm bình thường và đúng thẩm quyền của UBND thành phố.

Ngoài ra, Đà Nẵng cho rằng, liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận cụ thể, trong đó xác nhận những việc làm của Đà Nẵng là đúng pháp luật.

Đang làm việc với Bộ Công an


Từ phân tích nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc giảm 10% tiền sử dụng đất là chủ trương của thành phố có vận dụng quy định của pháp luật, mang lại hiệu quả thiết thực, nguồn thu ngân sách thành phố tăng lên hằng năm. Mặt khác, UBND thành phố xem việc giảm 10% là hình thức hỗ trợ, khuyến khích cho nhân dân vùng giải tỏa nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách thành phố và hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư khi nhận quyền sử dụng đất.

Thứ hai, việc xác định, quyết định giá giao quyền sử dụng đất được bàn bạc tập thể lãnh đạo UBND thành phố là đúng thẩm quyền, có căn cứ theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, phù hợp với giá thị trường tại thời điểm.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kết luận gây thất thu ngân sách 3.434.254.712.950 đồng là không có cơ sở, thiếu tính thuyết phục.

Không những thế, theo UBND Đà Nẵng, kết luận này làm ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng của thành phố và quá trình thực hiện Nghị quyết số 33/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong phần kết luận phản hồi, UBND Đà Nẵng nhấn mạnh, “lâu nay Đà Nẵng cũng được Trung ương đánh giá là nơi có phong trào tốt, có những cách làm mới, hiệu quả. Thanh tra là để chỉ ra những khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo nhằm rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, chứ không phải quy kết thiếu tính thuyết phục, làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng của thành phố”.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng, hiện UBND thành phố đang làm việc với đoàn công tác của Bộ Công an và đã chủ động có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm sắp xếp thời gian vào làm việc với thành phố để xác minh làm rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.