08:18 17/02/2025

Đà Nẵng sắp có nhà máy điện rác đầu tiên

Bạch Dương

Dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam là nhà máy điện rác đầu tiên của Đà Nẵng, được đầu tư tổng cộng 2.021 tỷ đồng...

Phối cảnh dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn- Ảnh: Hoàng Hiệp.
Phối cảnh dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn- Ảnh: Hoàng Hiệp.

Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam chuẩn bị khởi công dự án Nhà máy đốt chất thải rắn (rác) phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (Đà Nẵng). Công nghệ đốt rác để phát điện của nhà máy là sử dụng lò ghi cơ học của Tập đoàn Martin (Đức). 

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam, dự án có tổng vốn đầu tư 2.021 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của chủ đầu tư và nguồn vốn vay với công suất phát điện là 18MW. Dự án dự kiến hoàn thành trong quý 4/2026.

Dự án được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) vào tháng 10/2024 với tổng diện tích đất quy hoạch là 9,387 ha, công suất xử lý rác sinh hoạt là 650 tấn/ngày (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nông lâm nghiệp và rác thải công nghiệp thông thường). 

Theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, công nghệ của dự án là đốt chất thải kết hợp phát điện bằng lò ghi cơ học của Tập đoàn Martin, kiểu lò Martin SITY 2000 với công nghệ đốt rác tiên tiến đã được nghiên cứu cải tiến nhằm có thể đốt rác với thành phần phức tạp, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp và thuận tiện trong công tác bảo dưỡng, thay thế thiết bị.

Cùng với đó, có nhiều thiết bị phụ trợ hiện đại, có xuất xứ từ các đơn vị cung cấp hàng đầu thế giới như Siemens, ABB, Kasby…, bảo đảm các quy chuẩn về môi trường đối với khí thải, nước thải và rác thải. Nhiệt phát sinh từ quá trình đốt được dẫn qua hệ thống trao đổi nhiệt và nồi hơi để thu hồi nhiệt năng, hơi nước sinh ra được sử dụng để chạy turbin phát điện 3 pha xoay chiều với công suất 18MW…

Nhà máy điện rác đầu tiên của Đà Nẵng được hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thẩm định công nghệ và ban hành văn bản thông báo kết luận là công nghệ đốt chất thải rắn phát điện bằng lò ghi cơ học của Tập đoàn Martin phù hợp với việc xử lý rác sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, công nghệ lò ghi cơ học kiểu Martin SITY 2000 có thể đốt được chất thải rắn chưa được phân loại hoàn toàn để phát điện. Ghi lò đốt bao gồm các mảnh ghi động, tĩnh xếp chồng lên nhau và chuyển động tương đối để đảo trộn đều rác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cháy và đốt chất thải. Chất lượng khí thải sau xử lý bảo đảm theo quy định tại quy chuẩn của Việt Nam và châu Âu. Nước rỉ rác và nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt chuẩn A của Việt Nam.

Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt có tận dụng nhiệt để phát điện bằng lò đốt ghi cơ học của Tập đoàn Martin là công nghệ truyền thống đã được ứng dụng có hiệu quả từ nhiều năm trước và hiện nay, cơ bản phù hợp với việc đốt chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại hoàn toàn tại thành phố Đà Nẵng. 

Công nghệ này hiện được ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điều khiển tự động hóa nên có tính tiên tiến và hiện đại…

Sở Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, thông số kỹ thuật, tình trạng thiết bị, máy móc được đầu tư, lắp đặt; các thiết bị nhập khẩu phải đồng bộ, bảo đảm  khớp nối trong toàn bộ dây chuyền sản xuất; chất lượng thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Việc vận hành sản xuất phải tuân thủ các quy định về an toàn, kiểm soát tốt các thông số kỹ thuật trong quá trình xử lý chất thải rắn và các chất thải thứ cấp…