07:18 31/10/2012

Đại biểu Quốc hội: Cần thiết tăng lương, cân nhắc thu phí đường bộ

Trang Anh

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ không đồng tình với định hướng thu, chi ngân sách trong năm tới

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp các câu hỏi của đại biểu tại phiên thảo luận chiều 30/10.<br>
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp các câu hỏi của đại biểu tại phiên thảo luận chiều 30/10.<br>
Cần thiết tăng lương, cân nhắc thu phí đường bộ là hai trong nhiều khuyến nghị được các đại biểu Quốc hội gửi đến Chính phủ trong buổi thảo luận chiều 30/10.

Theo đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long), Bộ Tài chính khẳng định, nguồn thu năm 2013 của chúng ta rất khó khăn, khó có thể thực hiện được lộ trình tăng lương. Thông tin này đã gây thất vọng cho hầu hết những người lao động, làm công ăn lương. Bởi thực tế, theo đại biểu Công, đời sống của những người hưởng lương hiện nay hết sức khó khăn. Mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được 63% đối với đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp và 50% trong khu vực hành chính, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc cũng như hình ảnh của người công chức.

Do đó, đại biểu này đề nghị Chính phủ cần cân nhắc vấn đề này để làm sao chúng ta thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, tìm các nguồn thu khác để có thể tăng lương theo lộ trình đã dự kiến.

“Nếu trường hợp kinh tế diễn biến khó khăn không thể cân đối được nguồn thu thì chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, để các đối tượng này có đủ điều kiện trang trải cuộc sống và an tâm công tác”, đại biểu Lưu Thành Công nói.

Trước đó trong buổi thảo luận sáng 30/10, nhiều đại biểu cũng đã tỏ ra bức xúc trước dự kiến cắt giảm ngân sách cho cải cách tiền lương trong năm 2013 của Chính phủ. Theo các đại biểu, hiện nay giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, chi phí khám chữa bệnh tăng, trong khi giá trị tiền lương thực tế của các đối tượng hưởng lương và đối tượng hưu trí giảm.

Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nhìn nhận, Chính phủ cần giữ lộ trình tăng lương theo quan điểm là đầu tư cho con người phải được xem là ưu tiên số một. Khá nhiều đại biểu trước và sau đó cũng đã đề xuất hàng loạt giải pháp, cách thức thực hiện để làm sao vẫn có thể tăng lương cho người lao động trong năm 2013.

Liên quan đến thu phí đường bộ, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Chính phủ cần hết sức cân nhắc việc thu phí sử dụng đường bộ vào ngày 1/1/2013 nhằm góp phần bảo đảm an dân. Mặt khác, theo đại biểu, việc thu phí sử dụng đường bộ nhưng người sử dụng lại không được cung cấp dịch vụ là không phù hợp với bản chất là phí.

Đáp lại những kiến nghị trên, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong năm 2013 nhu cầu đầu tư của các địa phương và các bộ, ngành Trung ương là rất lớn. Năm tới, Chính phủ đề xuất chi cho đầu tư là 180 nghìn tỷ đồng, mặc dù rất thấp so với nhu cầu, nhưng đây cũng là cố gắng lớn của ngân sách Nhà nước.

Do đó, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sau những đề xuất của đại biểu Quốc hội, nếu như Chính phủ xem xét vẫn tiếp tục tăng lương thì có khả năng phải cắt giảm chi cho đầu tư.

Một số đại biểu cũng cho rằng, nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế đã được báo chí, chuyên gia kinh tế khuyến nghị từ khá lâu, song tiền trình xử lý lại rất chậm. Đặc biệt, trong quá trình điều hành kinh tế, cơ quan chức năng đã tỏ ra giật cục, lúc quá tả, lúc quá hữu, khi thắt chặt tiền tệ, lúc lại buông lỏng. Về việc mua sắm tài sản công cũng lúc thì cấm, lúc lại mở rộng cho mua.

Theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), nội dung tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ dường như thiếu quyết liệt, khẩn trương. Bằng chứng là từ sau kỳ họp thứ hai Quốc hội đến nay, hệ thống ngân hàng mới tái cơ cấu được 3 ngân hàng, số còn lại vẫn đang nằm dở dang là đề án; các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới quyết định giải thể hai tập đoàn

Đại biểu Hà cho rằng, Chính phủ cần khắc phục ngay "lợi ích nhóm" hiện đang tồn tại giữa một bộ phận lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với một bộ phận cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước để việc tái cơ cấu được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và có hiệu quả.