19:20 14/09/2019

“Đại biểu Quốc hội do dân bầu ra thì để dân đánh giá!”

Nguyễn Lê

Hiến pháp không giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đại biểu Quốc hội, dân bầu ra thì để dân đánh giá

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp - Ảnh: QP
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp - Ảnh: QP

Hiến pháp không giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đại biểu Quốc hội, dân bầu ra thì để dân đánh giá, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Tiếp tục phiên họp thứ 37, chiều 14/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Phải thận trọng

Một trong những điểm mới của lần sửa đổi này là bổ sung quy định về nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hộị".

Quy định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội là phải hết sức thận trọng, tôi đọc rất kỹ Hiến pháp rồi, không có điểm nào nói Uỷ banThường vụ Quốc hội đánh giá mà chỉ tạo điều kiện cho đại biểu thôi, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.

Theo ông Hiển thì lần sửa đổi này làm sao để càng gần với thông lệ quốc tế càng tốt, theo nguyên tắc các đại biểu Quốc hội bình đẳng, làm việc tập thể và quyết định theo đa số, các lá phiếu là ngang nhau.

Có một số vị cũng phản ứng là tại sao lại dùng chữ lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo ủy ban? Ủy viên thường trực và ủy viên chuyên trách là thế nào, khác nhau ở cái gì? Trình độ? Năng lực? Nếu đã đưa vào trong dự thảo luật thì phải có phân cấp rõ về tiêu chuẩn, ông Hiển góp ý.

Đồng tình với Phó chủ tịch Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh lịch sử chưa có tiền lệ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hoạt động của đại biểu, Hiến pháp cũng không giao việc đó.

Bà Nga băn khoăn là nếu quy định như vậy thì không rõ Thường vụ Quốc hội đánh giá đại biểu bằng tiêu chí gì?

Một đại biểu do dân bầu ra, ý kiến của đại biểu do nhân dân đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Tiêu chuẩn đại biểu là công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú... thì chúng ta làm sao định lượng được để đánh giá?

Việc đánh giá, theo bà Nga cũng không thể căn cứ vào số lần phát biểu của mỗi đại biểu được. Vì với thành viên Uỷ ban Thường vụ thì có ý kiến nói ở Trung ương anh phát biểu rồi, ra Thường vụ cũng phát biểu rồi thì khi ở Quốc hội anh phải cần lắng nghe chứ đừng có đăng ký phát biểu lia lịa nữa.

Ở Quốc hội thì các vị lãnh đạo cấp cao cũng rất ít phát biểu, vì thế theo bà Nga thì khó có thể đánh giá qua các phát biểu được.

Không còn chỗ nào mới về Quốc hội

Vấn đề khác cũng khiến Chủ nhiệm Nga băn khoăn là việc giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực của các uỷ ban của Quốc hội, theo yêu cầu của nghị quyết Trung ương.

Theo bà Nga, nếu nghị quyết Trung ương chưa thực sự hợp lý cũng có thể báo cáo lại, vì nếu giảm cấp phó và uỷ viên thường trực thì không thể đảm bảo được công việc của các uỷ ban.

Hiện nay uỷ ban nào nhiều nhất thì là 5 phó, bằng số lượng của các bộ, trong khi nhiệm vụ của một một số uỷ ban thì rất là nặng, Uỷ ban Tư pháp có 5 mảng lớn thì phải có 5 ông phó giữ, bà Nga nói.

Sang dự họp Uỷ ban Tư pháp thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đi cùng 2-3 cấp phó và 14 vụ trưởng. Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp để đương đầu với cơ quan tư pháp thì phải có hàng trăm cái chú thích cụ thể chứ nếu không mình "chết" trước, Chủ nhiệm Nga nói về lý do không thể giảm cấp phó và uỷ viên thường trực.

Liên quan đến tỷ lệ đại biểu chuyên trách, bà Nga đồng tình với quan điểm của ban soạn thảo là tùy trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy.

Bà Nga cũng nêu cái khó trong việc tìm người để quy hoạch cho đủ đại biểu chuyên trách. Vì ngay khi mới tìm có người đã nói quy hoạch thì quy hoạch chứ đừng có làm thật vì họ không muốn về các cơ quan của Quốc hội.

Mới quy hoạch đã khó, khi không còn chỗ nào về được thì họ mới về, phấn đấu ở các ngành thì người ta thấy tốt hơn, bà Nga nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng nêu khó khăn là với cơ chế hiện nay thì dù có quy hoạch nhiều vị cũng chả muốn về làm đại biểu chuyên trách.

Trong khi với cơ cấu nhiều đại biểu kiêm nhiệm như hiện nay thì ông Hải cho rằng gánh nặng dồn hết lên vai chủ nhiệm và các phó chủ nhiệm.