17:28 31/10/2022

Đại biểu Quốc hội: "Lãng phí trách nhiệm" làm mất đi cơ hội phát triển, gây suy yếu bộ máy

Quang Trung

Đại biểu dẫn ví dụ về việc không thể tự chủ bệnh viện, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc...

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, trong một số trường hợp còn lớn ảnh hưởng đến sự phát triển.

"Sự lãng phí hữu hình đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển", đại biểu chỉ ra."Lãng phí vô hình sẽ làm mất đi cơ hội phát triển, làm lãng phí nguồn lực quý giá, làm suy yếu bộ máy".

Đại biểu dẫn ví dụ về việc không thể tự chủ bệnh viện, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

Theo ông, trong những trường hợp này, tinh thần trách nhiệm, do nhiều nguyên nhân, đã không được phát huy đầy đủ, do đó đề nghị cần có sự lưu tâm xứng đáng cho những lãng phí vô hình này.

Đại biểu cũng cho rằng hiện nay, các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách năm 2023. Tuy nhiên, các quy định về sử dụng nguồn đầu tư công còn bất cập, làm phát sinh nhiều chi phí về thời gian, thủ tục.

Đại biểu kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm trình hồ sơ Nghị quyết bổ sung quy định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm nhằm khắc phục những bất cập trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa Luật Đầu tư công.

"Thất thoát, lãng phí trách nhiệm gây ra những hậu quả khôn lường đối với hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân", đại biểu đoàn Tây Ninh nhấn mạnh.

Ông đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể, để không lãng phí trách nhiệm, lãng phí lòng tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của đất nước.

Cũng tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng lãng phí nguồn nhân lực là lãng phí lớn nhất.

"Nước ta có lực lượng lao động đông đảo, đang ở vào thời kỳ dân số vàng, có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên nút thắt là ở chất lượng lao động chưa cao, nếu không có chính sách tận dụng thời kỳ dân số vàng, sẽ là lãng phí rất lớn cho cơ hội phát triển", đại biểu chỉ ra.

Theo ông, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất nguồn nhân lực. Đây cũng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực trong nước đã có bước tiến nhưng năng suất lao động vẫn khiêm tốn so với các nước trong khu vực, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ gây lãng phí lớn. 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ảnh: Quochoi.vn

"Tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp", đại biểu chỉ ra. 

Trên cơ sở phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Bên cạnh đó, xây dựng Cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Ngoài ra, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.