11:00 05/06/2024

Đại biểu Quốc hội lo khó quản lý hoạt động livestream bán hàng

Quang Trung

Vấn để quản lý hoạt động livestream bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 4/6...

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, tham gia chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương chiều 4/6, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết thời gian qua mạng xã hội xôn xao về những vụ livestream bán hàng trên ứng dụng với doanh thu lên đến hàng trăm tỷ một ngày.

NHIỀU LIVESTREAM GÂY BẤT ỔN VÀ HOANG MANG TRÊN THỊ TRƯỜNG

Đại biểu băn khoăn về tính xác thực của thông tin này cũng như việc quản lý chất lượng của những sản phẩm được bán qua livestream.

“Ngoài ra, giá bán của các sản phẩm qua thương mại điện tử lại thấp hơn nhiều giá bán buôn cho các đại lý đã gây bất ổn thị trường, ví dụ như trong các livestream trị giá cả chục tỷ, cả trăm tỷ như đã nói ở trên. Như vậy, các cơ quan quản lý nhận định vấn đề như thế nào và hướng xử lý làm sao? Chúng ta có thể học hỏi những kinh nghiệm nào trên thế giới để xử lý triệt để vấn đề này”, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Nhận thấy câu trả lời của Bộ trưởng sau đó chưa đi thẳng vào câu hỏi này, đại biểu Nghĩa đã dùng quyền tranh luận để làm rõ thêm. Đại biểu nhắc lại hai câu hỏi với trưởng ngành công thương.

Thứ nhất, với những hình thức thương mại điện tử như livestream thì làm thế nào để quản lý được chất lượng hàng hóa, bảo đảm được quyền lợi của khách hàng?

Thứ hai, giá bán rẻ qua các phiên livestream gây bất ổn và hoang mang trên thị trường. Vậy các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, quan niệm và nhận định vấn đề này như thế nào, xử lý ra sao và chúng ta có những kinh nghiệm quốc tế gì trong quản lý vấn đề này?

Theo đại biểu, việc quản lý các sàn thương mại điện tử hiện tại của cơ quan chức năng chủ yếu là với các sàn đã có định danh và có đăng ký, nên việc này tương đối dễ. Nhưng hiện nay livestream của các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo.

“Các livestream cá nhân ấy có doanh thu lên đến hàng trăm tỷ 1 ngày hoặc 1 lần. Đây là vấn đề rất lớn chứ không phải vấn đề nhỏ mang tính cá nhân nữa. Nếu như chúng ta đi theo giải pháp là xóa các trang đó như Bộ trưởng trình bày trong báo cáo và trình bày trước Quốc hội, chúng tôi thấy rằng lập một trang mới rất dễ dàng. Chúng ta cứ đuổi theo như vậy thì sao giải quyết được dứt điểm vấn đề? Cảm giác là nếu chúng ta không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả và luôn luôn đuổi theo như một ma hồn trận, rất khó khăn trong khi người tiêu dùng thì lĩnh đủ và cơ quan thuế thì thất thu”, đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.

Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi là với các livestream như đã đề cập thì Bộ có biết không, nhận định đó là thật hay ảo và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này như thế nào, có kinh nghiệm quốc tế gì mà Bộ đã tham khảo hay chưa?

Cũng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết có một thực tế hiện nay, những đơn hàng được thực hiện qua livestream trên Zalo, Facebook, v.v. cũng được chuyển qua biên giới, cũng được chuyển phát nhanh, vận chuyển, mở đơn hàng để đi thẳng. Trong khi đó, Việt Nam chua có chế tài xử lý đối với sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hiện nay một số người kinh doanh livestream giới thiệu sản phẩm ở những thành phố lớn bên kia biên giới, nhưng hàng hóa lại đặt ở những nơi hẻo lánh, xa xôi, để áp sát biên giới.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Ảnh: Quochoi.vn

“Hàng này khi được thông quan vận chuyển qua các dịch vụ vận tải, dịch vụ chuyển phát nhanh... nhưng Luật Bưu chính viễn thông hiện nay chưa quy định việc kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp, bưu chính là không bắt buộc cho nên xử lý vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn”, đại biểu chỉ ra.

Đại biểu cũng cho quá trình xử lý không phải chỉ cần mỗi ngành công thương mà cần phải sự phối hợp của các bên, thậm chí là cả các đơn vị sở hữu nền tảng đó, thậm chí không phải ở trong nước mà ở nước ngoài.

“Bây giờ giải pháp như thế nào để khắc phục được triệt để tình trạng này để bảo vệ người tiêu dùng. Đó là điều tôi mong muốn Bộ trưởng cho biết thêm”, đại biểu Hạ đặt vấn đề.

PHỐI HỢP CHẶT CHẼ GIỮA CÁC BỘ NGÀNH

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thượng mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính.

“Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lương quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch”, Bộ trưởng chỉ ra.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là việc tìm những địa điểm mà những đối tượng này tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, trao đổi, chia sẻ các dữ liệu thông tin trong quản lý của mình đối với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý những sai phạm, đặc biệt chống thất thu thuế trong môi trường thương mại điện tử.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh rằng vì hoạt động này biến hóa khôn lường, nên các quy định pháp luật của chúng ta phải tiếp tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây là lĩnh vực mới, mà mới này không chỉ với Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều gặp phải.

“Đối với chúng ta, như tôi đã báo cáo là thương mại điện tử phát triển rất mạnh, tới 20-25%/năm và quy mô thương mại bây giờ đã là 21 tỷ USD rồi, trong tương lai với tốc độ này thì còn phát triển mạnh nữa, nên rõ ràng chúng ta phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hiện nay cho hoàn thiện”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị.

“Hoạt động mua bán, giao dịch thì sau cùng không thể lọt được lưới trời, là sự phát hiện của người dân thông qua các tổ chức. Tôi nghĩ phát huy những vai trò như thế thì sẽ giải quyết được”, Bộ trưởng phát biểu.

Cùng với đó là vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý ban đầu những xung đột về lợi ích có thể xảy ra trong lĩnh vực này.

“Còn trong trường hợp vi phạm mà chúng ta chứng minh được là họ vi phạm pháp luật, đương nhiên việc xóa vĩnh viễn trang này hoặc chúng ta yêu cầu chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi những hành vi của mình thì chắc chắn sẽ từng bước giảm được tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cũng khẳng định, như đã nêu rõ trong báo cáo, để quản lý hoạt động livestream, rõ ràng phải phối kết hợp giữa các lực lượng có chức năng trong việc này, rà soát lại các quy định pháp luật để làm tốt công tác truyền thông. Từ đó, người tiêu dùng nhận thức được và tránh được những hiện tượng như vậy.