“Đổ xô” làm mẫu livestream: Việc nhẹ nhưng lương còn cao?
Sức nóng từ những con số "khủng" như những phiên livestream triệu đô hay thu nhập hàng triệu đến chục triệu đồng của người livestream đang giúp ngành này trở thành xu hướng nghề nghiệp mới, thu hút đông đảo lực lượng lao động trẻ. Nhưng liệu mọi thứ có đang bị thổi phồng quá mức…
Theo báo cáo của Market Research Future, thị trường phát trực tiếp được dự đoán sẽ tăng từ 71,63 tỷ USD vào năm 2023 lên 559,62 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 29,30% trong thời gian dự báo giai đoạn (2023 - 2032). Tiềm năng to lớn của thị trường đã thành công thu hút các doanh nghiệp tham gia, đồng thời mở ra một cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, nghề mẫu livestream.
Dạo qua một loạt các trang tin tuyển dụng, không khó để bắt gặp những tin tuyển mẫu livestream với mức lương hấp dẫn từ 8 - 15 triệu đồng (đối với nhân viên livestream toàn thời gian). Hay trên Facebook cũng có đến hàng chục hội nhóm về tuyển mẫu livestream với hàng chục nghìn thành viên tham gia.
LỰA CHỌN KIẾM TIỀN HẤP DẪN ĐỐI VỚI NGƯỜI TRẺ
Với một sinh viên, nếu lựa chọn làm thêm với những công việc như phục vụ hay thu ngân, với mức lương dao động từ 18.000-25.000 đồng/giờ, thì mỗi tháng các bạn sẽ kiếm được khoảng 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Thế nhưng, Đinh Thu Ngân, dù mới chỉ là sinh viên năm ba của Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp, đã có thể đạt mức thu nhập 8 chữ số mỗi tháng với chỉ 2 - 3 giờ làm việc mỗi ngày nhờ công việc mẫu livestream.
Mức lương vài trăm nghìn mỗi giờ của Thu Ngân tưởng chừng đã là mơ ước của nhiều bạn trẻ, thế nhưng, Lê Minh Nhật, một hot tiktoker với 1,5 triệu follower, có thể thu về hàng chục triệu đồng sau một phiên live bán hàng, diễn ra chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ.
Cụ thể, để thuê Lê Minh Nhật xuất hiện trong buổi live, các nhãn hàng sẽ phải trả anh ít nhất 10 triệu đồng/giờ. Bên cạnh mức lương cứng, Minh Nhật còn được trả thêm 10 - 15% doanh thu của mỗi buổi live. Điều đặc biệt là Lê Minh Nhật hiện vẫn đang là sinh viên năm 4 của Đại học Hà Nội, nhưng đã có thể tự chủ tài chính từ năm 2 đại học nhờ độ nổi tiếng trên nền tảng phổ biến nhất hiện tại, TikTok.
Hoàng Tuấn Minh (sinh viên Học viện Báo Chí Tuyên truyền), một hot tiktoker với khoảng 422 nghìn lượt theo dõi, cho biết: “Có nhiều nhãn hàng, họ thuê và sẵn sàng trả cho bọn em rất cao không phải để tạo ra doanh số trong live mà họ chỉ cần lấy hình ảnh bọn em để tạo danh tiếng thôi. Với nhiều nhãn hàng, khi đã thuê bọn em, họ phải chấp nhận từ lỗ tới hoà thôi còn doanh thu là chuyện của tương lai”.
THU NHẬP BẮT ĐẦU GIẢM DO NGHỀ MẪU LIVESTREAM ĐANG DẦN BÃO HÒA
Theo báo cáo “Tình hình thị trường việc làm lao động Việt Nam năm 2023” được đăng tải trang Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động Việt Nam là 7,1 triệu đồng. Trong khi đó, mức lương trung bình của nghề mẫu livestream hiện đang dao động từ 8 - 10 triệu đồng.
Theo Hoàng Tuấn Minh, mặc dù những người làm livestream cũng phải bỏ chất xám để tạo ra một phiên live thú vị, họ cũng phải có năng khiếu ăn nói để hấp dẫn người dùng nền tảng xem live và mua hàng, “nhưng tóm lại ngành này vẫn là một công việc rất nhàn so với rất nhiều công việc khác vì bọn em chỉ cần nói vài tiếng, đã có thu nhập gấp mấy lần người bình thường”.
Tuy nhiên, mặc dù kinh doanh livestream đang trên đà phát triển, thế nhưng, nghề mẫu livestream dường như đang trở nên bão hoà. Nếu như trước đây, mẫu livestream thường được trả ít nhất 100.000 đồng cho một giờ livestream, giờ đây, con số này có thể chỉ dao động từ 50.000 - 70.000 đồng với mức hoa hồng có thể chỉ 0.5% (hoa hồng trung bình của mẫu livestream là 2%). Nguyên nhân là do ngày càng nhiều người biết đến thu nhập “khủng” từ nghề này. Nhân sự đông đồng nghĩa với cầu tăng khiến giá trị ngành bị giảm.
Mặc dù vậy, khi so sánh nghề này với nhiều ngành nghề khác, rõ ràng làm mẫu livestream vẫn đem lại thu nhập đáng mơ ước so với mặt bằng thị trường việc làm chung, hấp dẫn nhiều bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z, thử sức với công việc này.