01:07 28/05/2024

Đại biểu Quốc hội lo khó thu xếp vốn xây cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Anh Tú

Tán thành chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 25.540 tỷ đồng song nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn việc khó khăn thu hút các nhà đầu tư, tiến độ góp vốn cũng như nguồn vốn từ ngân sách địa phương để đảm bảo tiến độ dự án. Vấn đề về giải phóng mặt bằng, vật liệu thi công cũng được các đại biểu lưu ý...

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là tuyến thuận lợi nhất để đi từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ, giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là tuyến thuận lợi nhất để đi từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ, giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết của dự án vì ý nghĩa, vai trò của dự án trong việc từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng.

Khi dự án hoàn thành sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

LÀM RÕ TIẾN ĐỘ GÓP VỐN NHÀ ĐẦU TƯ

Thống nhất cao với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Y Vinh Tơr, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho rằng nếu chủ trương đầu tư được thông qua sẽ tạo ra dấu mốc mới quan trọng, góp phần cụ thể hóa nội dung đột phá chiến lược của Đại hội Đảng lần thứ 13.

Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ hiện thực hóa các chiến lược, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng như cả nước.

"Dự án giải quyết được vấn đề liên kết vùng, đặc biệt là kết nối vùng Đông Nam Bộ, đây là vùng có sự phát triển đầy năng động với vùng Tây Nguyên rộng lớn và có nhiều tiềm năng. Hưởng lợi trực tiếp vào đây là kết nối giữa cửa ngõ phía Nam vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, với các huyết mạch của quốc gia cũng như hành lang quốc tế", đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá.

Bên cạnh đó, đại biểu Y Vinh Tơr cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số vấn đề.

Thứ nhất, về quy mô, trong đề xuất toàn tuyến, dự án đầu tư trong giai đoạn 1 có 4 làn xe song đối với đoạn từ Chơn Thành - Đức Hòa dài 2 km dự kiến là đường cấp ba và quy mô 12 mét, kết nối vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét và đầu tư đồng bộ.

Qua thực tiễn những tuyến đã làm thời gian qua, mặc dù có phân kỳ đầu tư, có việc do quản lý, điều hành và khai thác nhưng xét thấy nếu như đầu tư đồng bộ một lần sẽ tạo điều kiện thuận lợi về kết nối. Đặc biệt, đối với dự án này, kết nối vào tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành cũng đảm bảo an toàn và các điều kiện khai thác khác có liên quan.

Thứ hai, liên quan đến quy mô và hướng tuyến, đại biểu đề nghị Chính phủ cần lưu ý đến quy hoạch mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình lập và thực hiện dự án.

Thứ ba, về nguồn vốn, đại biểu Y Vinh Tơr bày tỏ băn khoăn về vấn đề này và đề nghị Chính phủ cần xác định rõ hơn khả năng đảm bảo nguồn vốn của nhà đầu tư theo phương thức PPP. Đồng thời cần tính đến khả năng đảm bảo của phần vốn ngân sách của địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách của địa phương không thuận lợi.
Thứ ba, về nguồn vốn, đại biểu Y Vinh Tơr bày tỏ băn khoăn về vấn đề này và đề nghị Chính phủ cần xác định rõ hơn khả năng đảm bảo nguồn vốn của nhà đầu tư theo phương thức PPP. Đồng thời cần tính đến khả năng đảm bảo của phần vốn ngân sách của địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách của địa phương không thuận lợi.

Dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư 12.770 tỷ đồng (trong đó vốn từ ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng), còn lại là nhà đầu tư trúng thầu sẽ bỏ 12.770 tỷ đồng. Vì đây là con số rất lớn nên rất nhiều đại biểu quan tâm về tính khả thi.

Thống nhất với việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư PPP, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, cho rằng việc đầu tư theo phương thức PPP đã có kinh nghiệm thông qua triển khai nhiều dự án nhằm huy động, thu hút tối đa nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về tính khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư, cơ cấu vốn góp, khả năng tiến độ góp vốn của nhà đầu tư cũng như nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo tiến độ dự án.

Liên quan đến phân cấp, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho biết thời gian qua Đắk Nông và Bình Phước chưa thực hiện các dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nên việc dự kiến phân cấp cho hai địa phương cần phải được chú ý quan tâm đến năng lực của ban quản lý dự án của hai địa phương.

"Với tổng mức đầu tư lớn, trong công tác chỉ đạo, điều hành sắp tới, Chính phủ cũng cần hết sức lưu ý đảm bảo năng lực của hai ban quản lý này. Các Ban của Bộ Giao thông có nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ cho hai ban quản lý dự án thực hiện (nếu được Quốc hội thông qua), đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ của dự án", đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang lưu ý.

Các đại biểu cũng quan tâm đến phương thức đầu tư, bởi theo tờ trình, Chính phủ kiến nghị đầu tư dự án theo phương thức PPP.

Dự kiến vốn do nhà đầu tư thu xếp chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư dự án nhưng đại biểu nêu thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy, việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.

LƯU Ý GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG VÀ VẬT LIỆU THI CÔNG

Liên quan đến các vấn đề khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đề nghị trong quá trình triển khai dự án lưu ý tránh những bất cập như ở những tuyến cao tốc vừa hoàn thành. 

"Phải bố trí luôn các trạm dừng nghỉ, cây xăng và trạm sạc điện. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp ô tô điện bị hết điện trên đường cao tốc phải chờ cứu hộ. Trong khi chúng ta đang tuyên truyền sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch thì phải thiết kế hạ tầng thuận tiện cho các phương tiện dùng loại năng lượng này", đại biểu Nga lưu ý.

Đại biểu cũng nhấn mạnh trong quá trình triển khai thi công, chú ý đồng thời hệ thống kết nối dân sinh như đường gom, hầm chui dân sinh và cầu vượt ngang. Bởi trên thực tế có những công trình đường cao tốc không hoàn thành đồng thời những kết nối dân sinh gây khó khăn cho người dân, vì quá trình đi lại của người dân bị chia cắt bởi đường cao tốc.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng đề nghị cần quan tâm đặc biệt tới việc tái định cư cho người dân bởi theo thống kê, dự án sẽ sử dụng 12 ha đất thổ cư và có số lượng lớn khoảng hơn 1.200 hộ, dân cư, hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án. Đại biểu cũng nhất trí với thời gian để tiến hành của dự án, tuy nhiên cần tính toán kỹ về tiến độ vì hiện nay nhiều dự án đường cao tốc đang thiếu về nguyên vật liệu.

Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, cũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án có sự phân tích số lượng hộ bị ảnh hưởng có đất trồng lúa hai vụ, đất nông nghiệp, đất ở, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần có báo cáo sơ bộ việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai, theo tình hình thực tế và các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong thực tiễn. 

Về cơ chế đặc thù, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết quy định này nhằm phân cấp, phân quyền cho địa phương, rút gọn các thủ tục thực hiện đấu thầu, rút ngắn thời gian chuẩn bị triển khai dự án.

Đại biểu đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục chỉ định thầu, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc xem xét, quyết định chỉ định thầu, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù làm cơ sở thực hiện hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

KẾT NỐI CAO TỐC ĐỂ ĐẾN TÂY NGUYÊN NHANH NHẤT

Liên quan đến sự cần thiết đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ đây là con đường rất chiến lược, các cơ quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng việc kết nối các tuyến cao tốc để tiến tới Tây Nguyên nhanh nhất.

Trong đó, để kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang thi công, tuyến Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) đang được nghiên cứu triển khai. Còn tuyến Gia Nghĩa - Chơn Thành là tuyến thuận lợi nhất để đi từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ.

Ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết tinh thần chỉ đạo chung với các dự án cao tốc là hướng tuyến cần thẳng nhất, ngắn nhất có thể và tránh khu dân cư, không bám theo đường cũ. Điều này giúp giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề xuất cơ chế chính sách liên quan đến tách khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, cấp phép các mỏ nguyên vật liệu thông thường cho các dự án, tránh để phản ánh "mỏ đất mà làm như mỏ vàng" về thủ tục, gây nên khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, cần sửa Luật Đấu thầu, chống tình trạng "quân xanh, quân đỏ"…

Theo Thủ tướng, khi có mặt bằng rồi, chúng ta tập trung cao độ triển khai dự án với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết… Khi đó, tiến độ các dự án sẽ bảo đảm, thậm chí vượt tiến độ.