14:08 25/11/2023

Đại biểu Quốc hội lo Luật Đường bộ chồng chéo, gây bất tiện khi thực thi

Anh Tú

Nhiều đại biểu lo ngại dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn chồng chéo, gây khó khăn khi thực thi. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu góp ý về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trong việc đưa đón học sinh hay xe công nghệ...

Nhiều vấn đề về hoạt động kinh doanh vận tải cần làm rõ.
Nhiều vấn đề về hoạt động kinh doanh vận tải cần làm rõ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ.

TRÁNH TRÙNG LẶP QUY ĐỊNH

Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng dự án Luật Đường bộ, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sau 14 năm triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự giao thông trên toàn quốc.

Tuy nhiên, thực tiễn xuất hiện một số bất cập và tồn tại các vấn đề mới phát sinh, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện tại các thành phố lớn, các cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố thường xuyên xảy ra lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, gây tắc nghẽn trên diện rộng và tai nạn giao thông vẫn còn diễn ra ở mức độ nghiêm trọng.

Do đó, Chính phủ nghiên cứu Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 là thời điểm phù hợp với thực tiễn.

Về áp dụng pháp luật, đại biểu Dương Tấn Quân cơ bản đồng tình với bố cục, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều quy định về hoạt động đường bộ, quy hoạch đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, vẫn còn khá nhiều trường hợp có nội dung, nội hàm còn chồng chéo, đan xen lẫn nhau về trách nhiệm và thẩm quyền giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Do đó, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát thận trọng, tính toán kỹ lưỡng để thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật sát với thực tiễn, sát với phát sinh trong đời sống, để giải quyết một cách khoa học, căn cơ và tiến bộ.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế bổ sung thêm các đối tượng vào các hành vi bị nghiêm cấm cho đầy đủ hơn.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cũng cho rằng việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Cơ quan soạn thảo cố gắng phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật - Ảnh: Quochoi.vn.

"Tuy nhiên, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng", đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu ý kiến.

LÀM RÕ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE CÔNG NGHỆ, QUẢN LÝ CHẶT HOẠT ĐỘNG ĐƯA ĐÓN HỌC SINH

Góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Bởi trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hơn nữa, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách. 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ở mọi cấp độ đều đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.

Góp ý về kinh doanh vận tải bằng ô tô, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết dự thảo luật nêu rõ, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải có hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. 

Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

"Như vậy, dự thảo luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ, đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo luật", ông Bình nêu rõ. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo luật. 

Về vận tải hành khách bằng xe ô tô, Đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị có giải pháp và chế tài để gắn chặt chẽ hơn nữa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe bị vi phạm.

Đồng thời, bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin hồ sơ của những lái xe dương tính với chất ma túy để có thể chia sẻ đối với đến với tất cả các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để kiểm tra khi tuyển dụng.

 

Sau hơn 2 năm tập trung nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 28/2/2023, Chính phủ có Tờ trình xây dựng dự án Luật Đường bộ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó, đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cùng trình Quốc hội cho ý kiến đồng thời tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, kết luận của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo hai bộ tích cực chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật.