14:47 17/11/2023

Đại học Quốc gia TP.HCM vói mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á

Phạm Vinh

Đại học Quốc gia TP.HCM phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để đến năm 2030, nằm trong nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM chiều 16/11.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM chiều 16/11.

Chiều 16/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM. Thủ tướng đánh giá cao Đại học Quốc gia TP.HCM đã nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Cùng tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân; một số lãnh đạo các bộ , ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Bình Dương

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, trong đó giao Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì xây dựng Đề án "Phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á".

Do đó, Đại học Quốc gia TP.HCM cần sớm hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở đó phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để đến năm 2030, nằm trong nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã xác định: Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đây là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.

Theo Thủ tướng, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Ngày nay, cùng với chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học đang thay đổi và phát triển đa dạng. Đặc biệt, công nghệ thông tin (bao gồm trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và trực tuyến hóa) được tích hợp vào quá trình dạy và học, tạo môi trường tương tác và hấp dẫn hơn, phát triển tư duy sáng tạo, tăng khả năng làm việc độc lập của người học.

Ngoài ra, xu hướng hợp tác toàn cầu và học tập xuyên quốc gia với cơ hội tiếp cận giáo dục đại học được mở rộng. Hợp tác giữa các trường đại học trên toàn thế giới được đẩy mạnh, tạo ra môi trường học tập đa văn hóa và cung cấp cơ hội nhiều hơn cho sinh viên tham gia vào học tập và nghiên cứu ở các môi trường khác nhau.

Giáo dục đại học ngày càng thúc đẩy tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng, tăng tính chủ động, tạo môi trường học tập tương tác; truyền đạt kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng như tư duy phản biện, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tạo lập môi trường chủ động, tăng cường tương tác trong quá trình giảng dạy-học tập; hướng tới đào tạo những "công dân toàn cầu".

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã công nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó có cải thiện chương trình học, năng lực giảng dạy, tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên học tập và nghiên cứu.

Giáo dục đại học Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho sinh viên, giảng viên tiếp cận với kiến thức và trải nghiệm quốc tế; đồng thời, tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, hoạt động đào tạo của Đại học Quốc gia TP.HCM bám sát quy hoạch, nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng, các ngành, lĩnh vực đang cần. Hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới nổi, xu thế của thời đại và những vấn đề có tính dự báo. 

NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO BÁN DẪN, AI, CÔNG NGHỆ SINH HỌC VÀO TOP 50 CHÂU Á

Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 36 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 Phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 25 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.

Hiện, chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia TP.HCM gồm các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế-luật, khoa học sức khỏe và khoa học nông nghiệp... với 3 trình độ: Đại học (139 ngành), thạc sĩ (141 ngành) và tiến sĩ (98 ngành). Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo gần 91.000 sinh viên đại học, gần 8.000 học viên cao học, trên 1.000 nghiên cứu sinh, cùng đội ngũ học giả với 37 giáo sư, 312 phó giáo sư và 1.140 tiến sĩ.

Đến nay, Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World). Trong đó, Đại học Quốc gia TP.HCM có 3 tiêu chí đạt thứ hạng tốt, gồm: Danh tiếng với nhà tuyển dụng (hạng 366); Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (hạng 386) và Danh tiếng với đồng cấp học thuật (hạng 524). Đây là 3 tiêu chí Đại học Quốc gia TP.HCM đang dẫn đầu các đại học tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM còn gặp những khó khăn, thách thức về vấn đề cân đối nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm đạt mục tiêu nằm trong nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; việc thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; áp lực đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của Đại học Quốc gia TP.HCM là : Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt trên 75%; Đào tạo tốt nghiệp khoảng 140.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có tư duy khởi nghiệp và có kỹ năng lãnh đạo; Đạt hơn 10 huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế; Công bố hơn 35.000 bài báo khoa học trong danh mục Scopus; Các chương trình đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học nằm trong tốp 50 của châu Á…