19:00 01/10/2023

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI đề ra 3 đột phá và 8 nhiệm vụ

Lý Hà

Với sự tham dự của 300 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 85.000 đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc công đoàn ngành, ngày 1/10/2023, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đã tiến hành Phiên thứ hai (phiên trọng thể)...

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI đề ra 3 đột phá và 8 nhiệm vụ
Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI đề ra 3 đột phá và 8 nhiệm vụ

Đại hội vinh dự được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng dự và phát biểu tại Đại hội.

12 CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU TRONG TỪNG NĂM VÀ CẢ NHIỆM KỲ

Tại Phiên thứ 2 các nội dung được đưa ra như: Báo cáo kết quả làm việc thứ nhất; Báo cáo tổng kết hoạt động Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028; Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, công chức, viên chức, lao động với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Báo cáo kết quả thảo luận về nhân sự và kết quả ứng cử, đề cử; biểu quyết chốt danh sách để bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023 - 2028; Ra mắt Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028,...

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2023 - 2028, dự thảo báo cáo chính trị đề ra mục tiêu tập trung đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn theo hướng hiện đại, thiết thực, hấp dẫn;

Tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội;

Tích cực tham gi a kiểm tra, thanh tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên;

Xây dựng các cấp công đoàn viên chức vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; tham gia cùng cấp ủy, chuyên môn xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội cũng đề ra 12 chỉ tiêu phấn đấu trong từng năm và cả nhiệm kỳ gồm: Phấn đấu phát trển thêm được 1.000 đoàn viên mới;

Ít nhất 90% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật;

Ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ;

Ít nhất 70% đoàn viên và người lao động được tham gia học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; 90% nữ cán bộ công chức, viên chức, lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI
Các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI

Về chỉ tiêu thực hiện hàng năm, Công đoàn Viên chức Việt Nam phấn đấu 100% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt, tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến cán bộ công chức viên chức lao động và công đoàn;

Chấp hành tốt nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị; 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 100% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;

100% cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở trở lên và 90% cán bộ công đoàn kiêm nhiệm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đại hội đề ra 3 khâu đột phá: Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tập trung là chủ tịch công đoàn cơ sở có bản lĩnh, kỹ năng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan, đơn vị, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: TTXVN

Đại hội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện gồm: Tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động;

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ;

Làm tốt công tác vận động, khích lệ, tạo động lực để đoàn viên, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng;

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện; tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;

Nâng cao hiệu quả phong trào nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động và công tác nữ công công đoàn;

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh;

Tập trung xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn;

Đổi mới phương thức hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM LẦN THỨ VI THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Đánh giá cao những kết quả Công đoàn Viên chức Việt Nam đạt được trong thời gian qua, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam có vị trí và vai trò rất quan trọng.

Đội ngũ cán bộ, đoàn viên hầu hết là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan nghiên cứu, tham mưu về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực tiễn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng và đặc thù, nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu, cụ thể hóa thành nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khoa học, phù hợp với thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị và mang lại hiệu quả cao.

Công đoàn Viên chức Việt Nam đã động viên, khích lệ cán bộ, đoàn viên phát huy tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thử thách. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng - an ninh và đối ngoại. 

Dù khó khăn do Covid-19, công đoàn viên vừa nỗ lực phòng, chống dịch, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, phát huy cao độ năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo để tham mưu, đề xuất, thẩm định nhiều chủ trương, chính sách về phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Các cấp công đoàn viên chức cả nước đã tích cực thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, góp phần giảm thiểu, đơn giản hóa hàng nghìn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đổi mới tác phong, thái độ phục vụ nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhận định nhiệm kỳ 2018-2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đoàn kết, phấn đấu vượt mọi khó khăn, hoàn thành và hoàn thành vượt tuyệt đại đa số chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam đề ra.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Có thể kể đến những dấu ấn quan trọng như: Triển khai các phong trào như phong trào “Tham mưu giỏi - Phục vụ tốt”, Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” đi vào chiều sâu, thực sự trở thành động lực thôi thúc cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến cho cơ quan, đơn vị, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Công đoàn Viên chức Việt Nam tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động trong đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phát huy vai trò trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tổ chức Công đoàn, trước hết là xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật…

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, dự kiến có nhiều dự án luật liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động, đến hoạt động của tổ chức Công đoàn sẽ trình Quốc hội. Cùng với đó, nhiều chủ trương mới của Đảng về công nhân, công đoàn sẽ tiếp tục được triển khai, cụ thể hóa; các cấp công đoàn Viên chức Việt Nam cần có giải pháp động viên, thông tin đến đội ngũ cán bộ, đoàn viên để nghiên cứu, có đề xuất chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật...

Tại phiên họp sáng 1/10, Đại hội đã bầu 35 người vào Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2023-2028.

ÔNG NGỌ DUY HIỂU TÁI ĐẮC CỬ CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM KHOÁ VI

Chiều 1/10, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2023-2028 tiếp tục họp phiên thứ 3.

Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt. Ảnh: Hải Nguyễn
Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 ra mắt. Ảnh: Hải Nguyễn

Tại phiên thứ 3, Đại hội đã thông qua báo cáo kết quả Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2023-2028. Theo đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, được tín nhiệm bầu tái đắc cử chức danh Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.

 

Ông Ngọ Duy Hiểu sinh ngày 5/2/1973, quê quán ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông từng là Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Từ tháng 11/2018 đến nay, ông được Đảng Đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ định kiêm giữ chức Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá 2018-2023.

 

Tại Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI đã bầu 3 Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Đông; Trần Thị Kim Anh và Thái Hoài Nam.

Hội nghị cũng bầu Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2023- 2028 gồm 12 người:

1. Bà Trần Thị Kim Anh, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI.

2. Ông Đỗ Mạnh Chiến, Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Chủ tịch Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức – cán bộ Thông tấn xã Việt Nam.

3. Ông Nguyễn Văn Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI.

4. Bà Lê Thị Thu Hà, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Chánh Văn phòng Công đoàn Viên chức Việt Nam.

5. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI.

6. Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công Công đoàn Viên chức Việt Nam.

7. Ông Thái Hoài Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI.

8. Bà Phạm Thị Thành, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Phó Viện trưởng Thông tin khoa học, Chủ tịch Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

9. Ông Lê Cao Thắng, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Chủ tịch Công đoàn các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

10. Bà Lê Thị Tường Thu, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

11. Ông Lê Khánh Toàn, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

12. Ông Hoàng Bảo Trung, Uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, Trưởng Ban Tổ chức – Kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI quyết định những vấn đề quan trọng của hoạt động công đoàn và phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động 5 năm tới.

Đây là diễn đàn chính trị quan trọng, ngày hội lớn của cán bộ, đoàn viên và người lao động Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới...