16:44 09/08/2023

Công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024 từ 5 - 6%, doanh nghiệp muốn trì hoãn

Nhật Dương

Trong khi công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 với mức từ 5 – 6% thì phía doanh nghiệp vẫn bảo lưu quan điểm chưa nên tăng trong bối cảnh hiện nay…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng 9/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ nhất năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Cả phía đại diện người sử dụng lao động và người lao động bước đầu đã đưa ra những quan điểm riêng về vấn đề này.

Về phía đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, công đoàn rất chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, vì vậy mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá nhằm duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, với mức đề xuất tăng 5 - 6%.

Để có căn cứ đưa ra phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, trước phiên họp, tổ chức công đoàn cũng đã khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023.

Kết quả cho thấy, có đến hơn 75% người lao động có thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ có 8,1% người lao động có dự dật tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm.

Khó khăn về thu nhập cũng khiến hơn 17% người lao động phải thường xuyên vay nợ, trong đó hơn 3% thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Tiền lương cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của hơn 53% người lao động và quyết định sinh con của họ. Nhiều người lao động cũng phải gửi con về quê vì tiền lương thấp…

Đồng tình với việc cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng như mong muốn của tổ chức đại diện người lao động, song về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia nói chưa nên điều chỉnh ngay lúc này.

Đại diện VCCI khẳng định doanh nghiệp luôn quan tâm và coi người lao động là tài sản vô giá nên luôn mong muốn tìm thật nhiều việc làm cho họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cũng rất khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị đang phải gồng mình để duy trì việc làm cho người lao động.

Theo ông, bên cạnh đó, các chính sách chịu tác động rất nhiều đến điều chỉnh lương tối thiểu, bởi lương tối thiểu liên quan đến cân đối, tính toán Quỹ công đoàn, Quỹ bảo hiểm xã hội..., trong khi chính các doanh nghiệp còn đề xuất giảm đóng vào quỹ này.

“Chưa nên quyết định điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Chúng ta xem xét tăng lương cần có độ trễ và sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số tới đây", Phó Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.