16:07 29/04/2023

Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống

Vũ Khuê

Diễn biến của thị trường thế giới rất khó đoán định, cùng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của đất nước thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp đủ mạnh và khả thi để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống...

Tổng nguồn cung xăng dầu trong quý 1/2023 đạt khoảng 5,980 triệu m3/tấn, đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
Tổng nguồn cung xăng dầu trong quý 1/2023 đạt khoảng 5,980 triệu m3/tấn, đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.

Chủ trì cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước diễn ra chiều ngày 28/4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước diễn ra khá ổn định, nguồn cung tương đối dồi dào, giá cả hợp lý, cơ bản bám sát giá thế giới.

NGUỒN CUNG XĂNG DẦU TRONG NƯỚC CÒN BỊ ĐỘNG

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, tổng nguồn cung xăng dầu từ 3 nguồn nhập khẩu, sản xuất và pha chế trong quý 1/2023 đạt khoảng 5,980 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 21,9% tổng nguồn xăng dầu năm 2023, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ rõ, nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, bởi hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thời điểm không ổn định, ảnh hưởng đến tính chủ động của nguồn cung xăng dầu trong nước.

Về nguồn cung nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình, cũng như chưa làm tốt công tác truyền thông để nêu bật được vai trò và hoạt động của mình đối với xã hội dẫn đến những thông tin sai lệch, không đáng có.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: "Nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn còn bị động".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: "Nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn còn bị động".

Hơn thế nữa, hệ thống kinh doanh xăng dầu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng, trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.

Con số sản lượng phân giao năm nay cao hơn số thực hiện của năm 2022, song theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, nếu kinh tế đất nước đạt được như kỳ vọng, cần phải nghiên cứu đến việc tăng sản lượng phân giao trong thời gian tới để chủ động trong mọi tình huống.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhận định, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính để nhập hàng, cho dù hạn mức tín dụng vẫn đầy đủ, thậm chí dư thừa nhưng điều kiện cho vay rất khó, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Vụ thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trong trường hợp cần thiết, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ xem xét giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động thực hiện, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.

Theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.

Bên cạnh đó, cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vận hành ổn định Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối; tiến tới triển khai quản lý theo thời gian thực từ quý 3/2023.

PHẢI CHỦ ĐỘNG NGUỒN HÀNG TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến 5 yêu cầu đối với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối.

Thứ nhất, cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng lọai) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng.

Thứ hai, phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu). Theo dõi sát tình hình nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu phù hợp (nhập sớm, đủ số lượng, đúng chủng loại).

Thứ ba, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.

Thứ tư, chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Thứ năm, các doanh nghiệp đầu mối cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước, trong đó cần cam kết rõ ràng, chặt chẽ các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm, để bảo đảm các thương nhân sản xuất cũng như kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng nội dung, sản lượng đã ký.

Thứ sáu, các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng để có cơ sở cập nhật chính xác các chi phí thực tế phát sinh vào công thức tính giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tiếp tục cập nhật rà soát, điều chỉnh các chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu tính giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối trong việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, tránh sai phạm.

Bộ trưởng Diên cũng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn (về cả hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn), tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn cho doanh nghiệp để nhập hàng.

Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu chủ động trong mọi phương diện để đảm bảo hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường trong nước theo cam kết. Đồng thời, khẩn trương làm việc với hai nhà máy lọc dầu để công bố, công khai cụ thể về kế hoạch và khả năng sản xuất, cung ứng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối theo từng tháng, quý trong năm.

Riêng đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cần có giải pháp quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp để hoạt động ổn định, hiệu quả, bảo đảm thực hiện đúng cam kết với các khách hàng và các cơ quan chức năng của Nhà nước.