21:06 23/12/2014

Đạm Cà Mau lọt vào top Thương hiệu Quốc gia 2014

P.V

Những nỗ lực xây dựng hình ảnh “Hạt ngọc mùa Vàng”, Đạm Cà Mau đã làm nên một Thương hiệu Quốc gia

Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn urê/năm.
Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn urê/năm.
Những nỗ lực xây dựng hình ảnh “Hạt ngọc mùa Vàng”, Đạm Cà Mau đã làm nên một Thương hiệu Quốc gia.

Để được vinh danh Thương hiệu Quốc gia 2014, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí như chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong. Đạm Cà Mau đã vượt qua 1.000 doanh nghiệp khác để lọt vào danh sách này.

Tiên phong và đổi mới

Nhiều người còn nhớ, Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn urê/năm, sau 43 tháng thi công đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại, thuộc loại tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á. Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7.

Điều đáng chú ý, quá trình thi công xây dựng nhà máy nhờ việc liên tục đổi mới, sáng tạo, giám sát chặt chẽ các hạng mục, Nhà máy Đạm Cà Mau đã tiết kiệm được 200 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Đạm Cà Mau cũng là nhà máy đầu tiên của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam sản xuất đạm hạt đục chất lượng cao. Đạm hạt đục Cà Mau có nhiều ưu điểm như chậm phân giải, khi ngậm nước hạt đạm trương nở và từ từ giải phóng giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, làm cho cây xanh bền và tiết kiệm phân bón. Đồng thời, cỡ hạt đạm đục đồng đều, không mạt, nên dễ rải và dễ phối trộn…

Đạm Cà Mau còn liên tục đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hệ thống phân phối để đưa sản phẩm đến tay khách hàng một cách thuận tiện và đạt hiệu quả cao nhất. Ngay từ khi còn trong giai đoạn đầu tư, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau đã chủ động tiếp cận khách hàng, tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về nhà máy, đội ngũ nhân sự… để người tiêu dùng biết đến một dòng sản phẩm mới.

Đến khi có sản phẩm, Đạm Cà Mau trực tiếp tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức sử dụng phân bón khoa học, hiệu quả cho nông dân. Kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Đạm Cà Mau cùng đồng hành với bà con nông dân trên đồng ruộng để giúp họ cách thức sử dụng sản phẩm hiệu quả, đồng thời cũng từ đó ghi nhận kết quả thực tế trong thực tế để hỗ trợ công tác sản xuất tại nhà máy.

Sau hơn 3 năm vận hành, đến nay sản phẩm của Đạm Cà Mau đã chiếm gần 60% thị phần khu vực ĐBSCL, có mặt ở nhiều địa phương khác trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường khu vực như Hàn Quốc, Campuchia, Philippine… Hình ảnh sản phẩm phân bón Đạm Cà Mau, với slogan “Hạt Ngọc Mùa Vàng”, đã trở thành thân thuộc với nhà nông.

Khẳng định vị thế


Với việc được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia năm 2014, Đạm Cà Mau càng khẳng định vị thế của mình với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngày 11/12 vừa qua, đợt IPO của Đạm Cà Mau đã thu hút tới 1.303 nhà đầu tư đăng ký mua gần 141,5 triệu cổ phần, bằng 110% lượng chào bán. Gần 129 triệu cổ phần đã được chào bán thành công, thu về cho nhà nước 1.580 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Thành công của đợt IPO Đạm Cà Mau có thể xem là một điểm sáng của đợt IPO các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014. Sau IPO, theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, doanh nghiệp này sẽ tiến hành các thủ tục một cách nhanh nhất để có thể tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu vào quý 1/2015.

Dự kiến doanh thu của công ty đạt khoảng 6.000 tỷ đồng (giảm 5% so với năm ngoái) trong khi lợi nhuận sau thuế là 655 tỷ đồng (tăng 25%). Các  nhà đầu tư cho rằng nếu đầu tư vào cổ phiếu này sẽ lợi nhuận tốt khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, dựa trên việc doanh nghiệp này không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với sự kiện đặc biệt là được vinh danh Thương hiệu Quốc gia, Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp phân bón, và cổ phiếu Đạm Cà Mau có sức hấp dẫn nhất định với các nhà đầu tư.