14:55 04/07/2007

Dân Mỹ khó tránh hàng "Made in China"

Kiều Oanh

“Hành trình gian nan” của một gia đình người Mỹ đi tìm hàng hóa không phải là “Made in China”

Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Mỹ.
Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Mỹ.
Người tiêu dùng tại Mỹ có thể thoát khỏi những nguy cơ mà hàng hóa Trung Quốc có gây ra nếu họ khôn ngoan hơn và mua những sản phẩm không chứa những thành phần có nguồn gốc từ nước này. Nhưng xem ra, việc này gần như là điều không thể.

Hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý lớn của công luận sau vụ thức ăn vật nuôi do Trung Quốc sản xuất bị coi là nguyên nhân dẫn tới cái chết của một số chó mèo ở Bắc Mỹ. Tiếp đó là vụ kem đánh răng Mr. Cool của Trung Quốc có chứa độc tố. Rồi gần đây nhất là vụ lốp xe Trung Quốc bị thu hồi tại Mỹ và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cảnh báo về thủy sản nuôi trồng của Trung Quốc có dư lượng chất kháng sinh bị cấm.

Trước hàng loạt cảnh báo, một gia đình người Mỹ đã đi tới một loạt cửa hàng tại nước này để tìm mua các mặt hàng không có xuất xứ Trung Quốc. Hãy theo dõi cuộc hành trình của họ.

Đầu tiên, cả gia đình này vào một cửa hàng giày có tên J.C. Penney để tìm một đôi giày trẻ em mùa hè có mức giá phải chăng cho cậu con trai. Ngay lập tức, họ phát hiện ra việc tìm một đôi giày không “Made in China” là một nhiệm vụ không hề dễ chút nào. Giày Adidas “Made in China”, giày Sketchers “Made in China” và cả giày Reebok cũng “Made in China” nốt.

Cuối cùng, sau một hồi tìm kiếm, họ cũng nhặt ra được một số đôi giày hiệu New Balance, một công ty vẫn sản xuất giày chạy thể thao tại Mỹ. Tuy nhiên, vài đôi trong số đó vẫn là “Made in China” và chỉ có 3 đôi có ghi “Sản xuất tại Mỹ bằng vật liệu nhập khẩu.” Như vậy cũng tạm ổn và cậu con trai đã chọn một trong số 3 đôi giày này.

Tiếp theo cửa hàng giày, cả nhà cùng đến cửa hàng tạp hóa Hy-Vee. Tại đây, việc tìm kiếm hàng không phải “Made in China” tại cửa có vẻ như không phải là một thách thức. Tuy nhiên, đây chỉ là sự vui mừng của những người tiêu dùng thiếu thông tin.

Những sản phẩm ở gian hóa mỹ phẩm có xuất xứ rõ ràng hơn so với ở gian thực phẩm. Trên nhãn hiệu của dầu gội đầu Suave, xà bông Dial, giấy ăn Kleenex, túi Ziplog, cốc Solo, xà phòng Tide, nước rửa bát Dawn, vv đều ghi “Made in USA” mặc dù không nêu cụ thể thành phần có xuất xứ từ đâu.

Các sản phẩm kem đánh răng khiến cả nhà bối rối hơn cả. Trên bao bì kem đánh răng AquaFresh có ghi “Made in USA” nhưng bao bì của kem đánh răng Crest hay Colgate chỉ ghi tên công ty sản xuất và phân phối sản phẩm là Proter & Gamble và Colgate-Palmolive.

Trên website của mình, Procter & Gamble đã thông báo kem đánh răng Crest của hãng có mặt tại các cửa hàng ở Mỹ được sản xuất tại Bắc Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Còn Colgate Palmolive thì cho biết kem đánh răng Colgate của hãng là an toàn cho dù có được công ty sản xuất ở đâu.

Đạo luật nông sản năm 2002 do Quốc hội Mỹ thông qua quy định tên nước xuất xứ được ghi trên nhãn hàng hóa cho một số mặt hàng bao gồm hải sản, thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, cá, rau quả, vv. Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Bush đã ngừng việc thực hiện đạo luật này cho tới tháng 10/2008. Do đó, việc xem xét nhãn mác nhiều mặt hàng thực phẩm gần như chẳng đem lại ích lợi gì.

Tại gian bán các loại kẹo, gia đình người Mỹ này thấy không có loại kẹo nào ghi nhãn “Made in China” nhưng theo William Hubbard, một cựu quan chức của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc, phần lớn các loại kẹo trên thị trường Mỹ đều có ít nhất một thành phần có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia này, nhiều thành phần của kẹo trong đó có các hương liệu và chất bảo quản đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo ông, các công ty ở Trung Quốc sản xuất khoảng 80% lượng gluten bột mỳ - loại nguyên liệu được sử dụng trong phần lớn các loại bánh mỳ, bánh ngọt và bánh quy - cũng như 80% lượng acid sorbic, một chất bảo quản được dùng cho mọi loại sản phẩm.

Một điều khó hiểu mà gia đình này nhận thấy trong gian hàng thực phẩm là một túi gạo nguyên liệu cho món sushi nhãn hiệu Kokuho Rose lại được dán nhãn “Sản phẩm của Mỹ” ?!

Rời cửa hàng thực phẩm, cậu con trai lại đòi mua vợt tennis và cả gia đình cùng tới một số cửa hàng bán đồ thể thao và cả Wal-Mart. Tại đó, mọi loại vợt đều là “Made in China”, duy chỉ có loại bóng tennis nhãn hiệu Penn là được sản xuất tại Mỹ.

Tới gian bán đồ chơi trẻ em, cả nhà thấy hàng tấn đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm các siêu nhân, ôtô, thú và game.Những xe đồ chơi hiệu Hot Wheels, trước đây do Mỹ sản xuất, giờ đây đều có ghi trên nhãn hiệu là “Made in China” hoặc Malaysia, Thái Lan. Nhiều loại đồ chơi khác cũng có xuất xứ từ Thái Lan hoặc Trung Quốc.

Trên hộp đồ chơi cá ngựa Monopoly thì ghi “Sản xuất tại Mỹ với xúc xắc và đồng xu được sản xuất tại Trung Quốc.”

Nhân dịp ngày 4/7 đang đến gần, ông bố quyết định đến xem gian hàng bán cờ Mỹ. Thậm chí, ở đó cũng có một loại cờ Mỹ do Trung Quốc sản xuất.

Gian hàng cuối cùng mà gia đình này quyết định vào là gian hàng bán đồ gia dụng. Ở đó, từ lò nướng đến máy pha cà phê đều được sản xuất ở Trung Quốc. Một số ít sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ nhưng mức giá lại quá cao.

Chuyên gia Hubbard nhận định mọi người tiêu dùng đều được lợi từ sự tràn ngập của đồ gia dụng Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng thực phẩm của nước này, các công ty nên thận trọng hơn trong việc truy xét nguồn gốc xuất xứ

Ông nói: “Trong trường hợp thực phẩm và dược phẩm, vấn đề an toàn được đặt lên trước vấn đề chất lượng. Nếu lò nướng hoạt động không tốt, bạn có thể đem đến đổi cửa hàng mà bạn đã mua. Nhưng nếu thực phẩm không an toàn, đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác.”

(Theo AP)