09:35 01/11/2007

Đằng sau việc USD mất giá

Nguyên nhân chính khiến USD liên tục mất giá là lượng ngoại tệ vẫn đang đổ vào trong khi Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế mua

Thực ra, khi tung tiền đồng ra mua USD, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ để hút lượng tiền đồng kia về (sterilization).
Thực ra, khi tung tiền đồng ra mua USD, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ để hút lượng tiền đồng kia về (sterilization).
Kể từ đầu tháng 9/2007 đến nay, USD liên tục mất giá so với đồng Việt Nam. Nguyên nhân chính là lượng ngoại tệ vẫn đang đổ vào trong khi Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế mua.

Tại sao Ngân hàng Nhà nước không tiếp tục mua USD để tăng dự trữ? Ai cũng biết mua ngoại tệ thì phải bơm tiền đồng ra, mà đã bơm tiền đồng ra thì sẽ gây sức ép lên lạm phát, trong khi lạm phát chín tháng qua đã ở mức lo ngại 7,32%. Lạm phát là một trong những đề tài nóng tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII đang diễn ra.

Cách đây vài tuần, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phải khống chế giá tiêu dùng trong những tháng còn lại, cụ thể tháng 10 không quá 0,3%, tháng 11 không quá 0,3% và tháng 12 không quá 0,4%. Như vậy, lạm phát cả năm sẽ chừng 8,2-8,3%, thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế (8,5%). Nay mai, Tổng cục Thống kê sẽ có dự báo chỉ số giá tháng 10, thực tế và chỉ tiêu thế nào lúc ấy sẽ rõ.

Có thể nói mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là kiềm chế lạm phát. Trao đổi với báo giới, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nói: “Điều quan trọng nhất Ngân hàng Nhà nước phải làm hiện nay là kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng xuất khẩu nói riêng hay kinh tế nói chung là mục tiêu thứ yếu.

Tại sao? Dư luận quy kết lạm phát cao thời gian qua là do Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra quá nhiều. Đồng ý, nhưng còn nhiều yếu tố khác ngoài tiền tệ. Trước sức ép của dư luận, Ngân hàng Nhà nước buộc phải chứng minh rằng mình hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát. Đó là lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước ngần ngại mua thêm USD để tăng dự trữ”.

Thực ra, khi tung tiền đồng ra mua USD, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ để hút lượng tiền đồng kia về (sterilization). Ngân hàng Nhà nước đã làm và vẫn đang tiếp tục làm nhưng kết quả thì chưa như mong muốn.

Một quan chức Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước nói: “Ngân hàng Nhà nước đã hút về 80% lượng tiền đồng mà Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra từ đầu năm đến nay. Chính sách nào cũng có độ trễ của nó. Đối với chính sách tiền tệ, và cụ thể trong tình hình hiện nay, theo chúng tôi sẽ cần nhiều hơn hai tháng để phát huy tác dụng. Chúng tôi chắc chắn rằng lạm phát cuối năm sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Vấn đề ở đây là không lẽ việc ai nấy lo? Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để lạm phát cao, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm nếu xuất khẩu giảm, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm nếu giải ngân vốn chậm, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm nếu tăng trưởng kinh tế thấp hơn kế hoạch đề ra...

Có ý kiến cho rằng, mục tiêu của một ngân hàng trung ương là ổn định chính sách tiền tệ quốc gia, trong đó giữ cho lạm phát ở mức vừa phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Như thế, việc Ngân hàng Nhà nước hiện nay chỉ chú tâm kiểm soát lạm phát là một tín hiệu tốt, nó cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã độc lập hơn trong việc thực hiện các mục tiêu của mình.

Nếu thế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ gây khó dễ cho các bộ, ngành khác. Giả như Ngân hàng Nhà nước không tiếp tục mua USD thì tiền đồng sẽ phải lên giá, như thế không khuyến khích xuất khẩu. Chỉ tiêu đề ra cho năm nay là tiền đồng sẽ mất giá 1% so với USD, nhưng theo tỷ giá công bố của các ngân hàng thương mại thì cho đến giờ này tiền đồng mới chỉ mất giá khoảng 0,27%.

Ngân hàng ANZ trong báo cáo mới nhất của mình ngày 22-10-2007 nói rằng Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh chỉ tiêu mất giá của tiền đồng so với USD xuống còn một nửa, tức cả năm chỉ có 0,5%. ANZ cho rằng chính sách “tiền đồng mất giá 1%/năm” của Chính phủ là không thể đạt được trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát tăng và vốn nước ngoài đổ vào nhiều.

Theo ANZ, dòng vốn nước ngoài tăng sẽ khiến Chính phủ phải tiếp tục thay đổi chính sách tỷ giá vào năm tới, và không loại trừ khả năng sẽ duy trì một đồng nội tệ tăng giá “nhẹ”.

Đồng USD mất giá đã để lại một hệ lụy, đó là doanh nghiệp thích gửi bằng tiền đồng và đi vay bằng ngoại tệ do lãi suất ngoại tệ đang thấp hơn nhiều so với tiền đồng. Điều này có thể dẫn tới việc mất cân đối trong cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại.
Theo tính toán của người viết dựa trên các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, nếu như hồi tháng Giêng các ngân hàng thương mại trên địa bàn huy động được 100 USD thì họ cho vay 76 USD, tỷ lệ này hiện nay là 100:92.

Liên tục trong ba báo cáo hàng tháng gần đây của mình, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các ngân hàng thương mại phải đặc biệt quan tâm sử dụng vốn bằng ngoại tệ “một cách hiệu quả” để tránh việc mất cân đối xảy ra.

Nhiều nguồn tin cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xem xét hạn chế các đối tượng được vay ngoại tệ nhằm tránh tình trạng USD hóa trong nền kinh tế.