Đang xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của Phó bí thư Đồng Nai
Các cơ quan chức năng đang xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh
Hiện nay các cơ quan chức năng đang xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết tại cuộc họp báo chiều 20/10 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư sẽ được khai mạc sáng 23/10 tới.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi, vừa rồi Ủy ban Kiểm tra đã thi hành kỷ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh và cử tri đặt vấn đề bà Thanh có còn đủ tư cách là đại biểu hay không?
Về việc này các cơ quan chức năng đang xem xét quy trình cụ thể sau đó sẽ báo cáo Quốc hội sau - ông Phúc hồi âm.
Vậy thì các cơ quan Quốc hội có đang xem xét không? phóng viên Báo Thanh Niên tiếp tục đặt vấn đề.
Các cơ quan liên quan đến công tác cán bộ đang xem, cử tri có ý kiến nhưng bãi miễn phải có quy trình chứ không phải tự nhiên mà bãi miễn được - ông Phúc trả lời.
Một số phóng viên cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của việc hạn chế phóng viên tham dự các buổi họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Phúc trả lời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, có nhiệm vụ chuẩn bị nhiều nội dung cho các kỳ họp Quốc hội, để Thường vụ có điều kiện bàn sâu bàn kỹ nên công tác báo chí được quy định thận trọng.
Quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ quy định báo chí có quyền tham dự phiên họp, tức là báo chí chỉ có quyền đó khi được mời chứ không phải được tham gia tất cả các nôi dung. Ở Thường vụ có những nội dung thảo luận lần đầu thì mời một số cơ quan báo chí thậm chí không mời nhưng đã ra Quốc hội thì đương nhiên là công khai - ông Phúc giải thích thêm.
Thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư, Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết Quốc hội sẽ làm việc 26 ngày, dự kiến họp phiên bế mạc vào ngày 24/11.
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội dành 11 ngày xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác. Có một số dự án luật quan trọng nhận được sự quan tâm của cử tri như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt...
Quốc hội sẽ dành 15 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó có cho ý kiến về chủ trương xây dựng đường bộ cao tốc bắc- Nam phía đông, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành...
Hoạt động chất vấn vẫn tiếp tục diễn ra trong ba ngày, người trả lời chất vấn sẽ được chọn trên cơ sở ý kiến của đai biểu - ông Lĩnh cho biết.
Vẫn theo Phó tổng thư ký, tại kỳ họp Quốc hội dành thời gian phê chuẩn miễn nhiệm và bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ, được tiến hành ngay từ đầu kỳ họp.
Một số điểm mới của kỳ họp được ông Lĩnh thông tin là sẽ giảm thời gian trình bày báo cáo tại hội trường, hầu hết các báo cáo không quá 15 phút để tăng thời gian thảo luận. Việc quản lý thời gian trình bày và phát biểu tại các kỳ họp thì không phải chỉ nước mình mới quan tâm mà nhiều nước khác cũng quan tâm - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách được tăng lên 2,5 ngày làm việc so với 2 ngày trước đây. Đây là lần đầu tiên những vấn đề về ngân sách và kinh tế xã hội cùng được thảo luận - ông Lĩnh cho biết.
Điểm mới nữa là các phiên họp được phát thanh - truyền hình trực tiếp cũng nhiều hơn, 11 ngày/26 ngày làm việc, trong đó có hai nội dung mới là công tác bình đẳng giới và công tác khiếu nại tố cáo của công dân lần đầu được thảo luận tại hội trường.