15:44 17/06/2021

Đáo hạn phái sinh, VN30 đột ngột sập mạnh

Kim Phong

Những biến động giật cục đặc thù của phiên đáo hạn phái sinh đã ép chỉ số VN30-Index đổ gục trong đợt ATC. Dù vậy phiên chiều này thị trường vẫn tỏ ra mạnh mẽ với đà phục hồi giá tăng áp đảo ở cổ phiếu...

VN30-Index thể hiện nhịp sụt giảm đột ngột đợt ATC, diễn biến thường thấy trong phiên đáo hạn phái sinh.
VN30-Index thể hiện nhịp sụt giảm đột ngột đợt ATC, diễn biến thường thấy trong phiên đáo hạn phái sinh.

Cho đến phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, VN30-Index đang tăng 3,67 điểm so với tham chiếu, trong khi cuối phiên sáng giảm tới 11,13 điểm, nghĩa là tăng gần 1% riêng chiều nay. Bất ngờ đóng cửa chỉ số này lại gục xuống giảm 3,67 điểm so với tham chiếu.

Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh nên đợt ATC thị trường nhảy số loạn xạ là điều không mới. Nhiều cổ phiếu lớn của VN30 đã bị ép giá cuối ngày là VNM, VIC, VHM, VCB, TCB, CTG, HPG, MWG, FPT, MSN... Phần lớn các cổ phiếu này đang tăng chuyển thành giảm so với tham chiếu.

Rất khó để xác định liệu có xuất hiện hành động ép chỉ số để phục vụ đầu cơ phái sinh hay không, vì tuần này cũng lại là tuần các quỹ ETF ngoại tái cơ cấu. Mặt dù phần lớn giao dịch được thực hiện trong ngày mai, nhưng cũng không có quy định nào cấm bán rải rác trong các phiên khác.

Ngoài ra, khối lượng giao dịch của các cổ phiếu bị ép giá là khá cao. Ví dụ MSN giao dịch tới 131.400 cổ phiếu ở đợt ATC, giá đang từ tăng nhẹ 300 đồng trên tham chiếu thành giảm tới 1.200 đồng, tức là giảm tới gần 1,5% giá trị chỉ trong một lần khớp. VIC đổ gục khoảng 500 đồng ở đợt ATC với 216.700 cổ, VHM bốc hơi 900 đồng với 168.800 cổ, VCB giảm khoảng 500 đồng với 120.400 cổ, VNM mất 600 đồng với 379.000 cổ, TCB mất 500 đồng với 640.000 cổ, HPG mất 400 đồng với 983.100 cổ. Cũng phải nhất mạnh rằng các mã trên có thị giá rất cao, nên thanh khoản nói trên không hề nhỏ.

VN30 lúc đạt đỉnh cao nhất cuối phiên chiều có tới 21 mã tăng/9 mã giảm. Cuối phiên độ rộng chỉ còn 14 mã tăng/13 mã giảm. Đáng tiếc là nhiều trụ giảm khá mạnh dưới tham chiếu: VIC giảm 1,76%, VHM giảm 0,91%, VNM giảm 0,87%, VPB giảm 1,2%, TCB giảm 0,99%, MSN giảm 1,15%, HPG giảm 0,77%.

VN-Index “thoát hiểm” dù cũng để mất 4,58 điểm chỉ trong đợt ATC, chốt phiên còn tăng 3,4 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,25%. Lực đỡ đến từ GVR tăng 5,93% và là mức tăng cao nhất trong ngày của mã này, tức là không hề có biến động bất thường nào cuối ngày. GAS tăng 2,18%, MBB tăng 3,1%, BID tăng 1,32% là các trụ khác mạnh nhất.

Một điểm tích cực là sàn HoSE phân hóa tốt, với 219 mã tăng/165 mã giảm. Điều này phù hợp với sự phân hóa giữa các nhóm: VN30 giảm 0,25% nhưng Midcap tăng 1,47%, Smallcap tăng 0,98%. Độ rộng của hai rổ này đã cải thiện độ rộng chung trên sàn HoSE.

Đặc biệt các cổ phiếu Midcap đột ngột hút tiền mạnh mẽ. Tổng giá trị khớp ở rổ này tăng 9% so với hôm qua, đạt 6.411 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm. Trong khi đó VNSmallcap giảm 11%, VN30 giảm 16% và toàn sàn HoSE giảm hơn 9%. Midcap xuất hiện các mã thanh khoản rất lớn như FLC, ROS kịch trần, khớp 722,8 tỷ đồng và 229,5 tỷ đồng. KBC, AAA, HSG cũng khớp trên 400 tỷ đồng. Rổ Midcap có 21 cổ phiếu khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng giá trị thì 15 cổ phiếu tăng giá.

Mặc dù VN-Index tăng không mạnh nhưng hôm nay vẫn là một ngày giao dịch mang nhiều nét tích cực hơn. Về phía cổ phiếu, HoSE có 140 mã tăng trên 1% so với tham chiếu. Đây là cải thiện rất lớn so với phiên sáng.

Tuy vậy dòng tiền rút khỏi blue-chips cũng là một yếu tố bất lơi, vì thanh khoản chung sẽ giảm đi nhiều. Chiều nay VN30 cũng chỉ giao dịch thêm hơn 4.700 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp hai sàn cũng giảm gần 12% so với hôm qua.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 116 tỷ đồng ở sàn HoSE và mua 20 tỷ ròng ở HNX. Như vậy khối này không bán thêm nhiều trong phiên chiều mà mua vào thêm. VCB được mua ròng mạnh 216,5 tỷ đồng. VNM khoảng 63 tỷ đồng, VRE hơn 55 tỷ đồng, VHM hơn 43 tỷ, SSI hơn 40 tỷ đồng. Phía bán có HPG, CTG, MBB rất lớn với -160,1 tỷ, -156 tỷ và -145,6 tỷ đồng.