15:37 05/01/2022

Đảo trụ không thành, VN-Index điều chỉnh, thanh khoản tăng vọt

Kim Phong

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã hạ nhiệt hôm nay, kéo theo VN-Index mất hơn 3 điểm. Diễn biến giảm giá chủ đạo ở nhóm blue-chips, khi VN30-Index giảm tới 0,82%...

Chỉ số Vn30-Index thể hiện rõ đà điều chỉnh của các blue-chips.
Chỉ số Vn30-Index thể hiện rõ đà điều chỉnh của các blue-chips.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã hạ nhiệt hôm nay, kéo theo VN-Index mất hơn 3 điểm. Diễn biến giảm giá chủ đạo ở nhóm blue-chips, khi VN30-Index giảm tới 0,82%.

Rổ blue-chips VN30 vẫn có 10 cổ phiếu tăng giá, trong đó VRE còn kịch trần. Tuy nhiên số giảm tới 19 mã và bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. Có thể nói hôm nay là một phiên hạ nhiệt bằng blue-chips.

Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt VN-Index bùng nổ hôm qua vẫn có các đại diện tăng giá tốt. Dầu khí có GAS tăng 3,04%, ngân hàng có STB tăng 1,4%, nhóm Vin có VRE kịch trần. Vài trụ lẻ khác như SAB, GVR tăng khá mạnh.

Ảnh hưởng đặc biệt của GAS, SAB, VRE và GVR giúp VN-Index chỉ phải trả lại thị trường 3,08 điểm, rất nhỏ. Trong khi đó các mã này kéo VN30-Index ít, khiến chỉ số giảm 12,86 điểm tương đương 0,82% so với tham chiếu. Ba cổ phiếu nói trên giúp VN-Index có được hơn 4 điểm, trong khi với VN30-Index chỉ gần 2,6 điểm.

Những “đầu tàu” mạnh mẽ nhất phiên trước, hôm nay đã tạm lùi: VIC giảm 0,99%, VHM giảm 1,29%, VPB giảm 1,53%, TCB giảm 0,79%. Đặc biệt MSN – cổ phiếu đứng ngoài nhịp bùng nổ vượt đỉnh lịch sử lần này – lại tiếp tục điều chỉnh mạnh. MSN hôm nay giảm sốc 5,29%, mức giảm mạnh nhất 8 tháng. Từ tháng 4 năm ngoái đến nay, MSN chỉ có 3 phiên giảm quá 5% trong một ngày. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến VN-Index (làm mất 2,6 điểm), mã này còn là trụ kéo lùi VN30-Index nhiều nhất với hơn 4,5 điểm. MSN cũng là nhân tố quan trọng khiến chỉ số đại diện nhóm blue-chips giảm nhiều hơn VN-Index.

Với số mã giảm lên tới 19 trong nhóm VN30, ảnh hưởng của các blue-chips lên xu hướng chung là rất rõ. Đặc biệt cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm khá sâu. Trong 27 mã ngân hàng trên 3 sàn, chỉ có STB, PGB, EIB, ABB là tăng, còn lại 19 mã giảm, trong đó 15 mã giảm trên 1%.

Nhìn chung phiên điều chỉnh hôm nay có ý nghĩa hơn ở chỉ số VN30-Index, khi chỉ số này đang tiến gần tới đỉnh cao lịch sử của chính nó hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Diễn biến này tiếp tục cho thấy sự tụt hậu của các blue-chips, trong đó nổi bật là cổ phiếu ngân hàng.

Thanh khoản ở nhóm này vẫn chưa có sự gia tăng nào đáng kể, dù hai phiên vừa qua đã khá cao so với mức trung bình tuần cuối năm 2021. Rổ này hôm nay khớp thành công gần 9.607 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với hôm qua, nhưng tăng 28% so với trung bình tuần trước. Cổ phiếu ngân hàng hút tiền cũng chưa nổi bật, các mã ngân hàng trong rổ VN30 phiên này chỉ chiếm gần 37% giá trị giao dịch của rổ. Tổng giao dịch các mã ngân hàng trên HoSE cũng chỉ chiếm gần 15%.

Cổ phiếu vừa và nhỏ lại trần hàng loạt, nhiều mã thanh khoản đột biến cao.
Cổ phiếu vừa và nhỏ lại trần hàng loạt, nhiều mã thanh khoản đột biến cao.

Dòng tiền lại mạnh lên rất ấn tượng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đặc biệt nhóm Midcap hôm nay giao dịch tới trên 12.578 tỷ đồng, tăng 31% so với phiên trước, chỉ đứng sau ngưỡng kỷ lục 15,4 ngàn tỷ đồng hôm 19/11 vừa qua. Midcap chiếm khoảng 41% tổng giá trị khớp sàn HoSE hôm nay. Smallcap cũng tăng giao dịch 30%, đạt 5.149 tỷ đồng.

Cả hai rổ này nhận được dòng tiền lớn và tăng tốt: Chỉ số midcap tăng 0,71%, smallcap tăng 1,18%. GEX là cổ phiếu thanh khoản cao nhất nhóm midcap đồng thời là mã thanh khoản nhất thị trường, với hơn 1.570 tỷ đồng. Tuy vậy với GEX, mức thanh khoản lịch sử hôm nay dường như là phiên xả, khi giá lúc 11h15 tăng bùng nổ 6,56%, gần kịch trần. Toàn thời gian còn lại GEX trượt giảm và đến cuối phiên rơi về tận tham chiếu. Giá cao nhất hôm nay của GEX tại 46.300 đồng cũng tương đương với đỉnh lịch sử cũ hồi giữa tháng 11/2021. Khối ngoại xả 1,71 triệu cổ tại đây, nhưng không phải là sức ép chính vì chiếm chưa tới 5% thanh khoản.

Toàn sàn HoSE ghi nhận 34 mã kịch trần lúc đóng cửa, trong đó Midcap đóng góp 6 mã, smallcap đóng góp 17 mã. Nhóm vốn hóa nhỏ khá nóng, trong đó FCN, LDG, ROS thanh khoản hàng trăm tỷ đồng. Midcap cũng có FLC, DIG, CII, HNG, VHC, ASM giao dịch rất lớn.

Các cổ phiếu đầu cơ tầm trung và nhỏ đang có thanh khoản rất lớn. Dù giá vẫn đang trên đà tăng nhưng thanh khoản quá cao cũng là tín hiệu của hiện tượng thoát hàng. Nếu tín hiệu kế tiếp là hiện tượng đảo chiều giảm thì sớm muộn dòng tiền cũng sẽ bị rút ra.