18:15 16/09/2010

Đâu là giá trị thực của vàng?

Kiều Oanh

Việc giá vàng leo lên mức kỷ lục mọi thời đại vào ngày 14/9 làm nảy sinh nhiều câu hỏi về giá trị thực chất của kim loại quý này

Một thỏi vàng nặng 220 kg, trị giá hơn 8 triệu USD tính theo thời giá hiện tại, được trưng bày tại Đài Loan, ngày 5/3/2010 - Ảnh: Reuters.
Một thỏi vàng nặng 220 kg, trị giá hơn 8 triệu USD tính theo thời giá hiện tại, được trưng bày tại Đài Loan, ngày 5/3/2010 - Ảnh: Reuters.
Ngày 14/9, giá vàng thế giới đã leo lên mức kỷ lục mọi thời đại (gần 1.276 USD/oz) do giới đầu tư lo ngại về sự mất giá của đồng USD và tình hình kinh tế của châu Âu xấu đi. Có người cho rằng giá vàng đang bị thổi phồng quá đáng, trong khi nhiều người khác lại tin rằng, giá vàng phải cao hơn mới phản ánh được giá trị thực của kim loại quý này. Mới đây, tờ Financial Times đã có một bài viết của tác giả Ellen Kelleher phân tích các luồng quan điểm về giá trị thực chất của vàng, VnEconomy xin giới thiệu để độc giả tham khảo.

Kho ngoại quan Baird & Co tọa lạc giữa quang cảnh buồn tẻ của một khu công nghiệp cách sân bay thành phố London, Anh, nửa dặm về phía Đông. Một chiếc Mercedes màu đen và một chiếc Jaguar xanh nước biển đậu gần cửa vào kho ngoại quan là những điểm sáng duy nhất ở nơi này. Bên trong kho ngoại quan, từng tốp công nhân mặc đồ bảo hộ lao động đang vào khuân các loại tiền vàng, vàng thỏi và nhẫn vàng từ vàng đã được tinh luyện và nấu chảy.

Trong văn phòng thuộc tầng trên của kho ngoại quan, Giám đốc điều hành công ty, ông Tony Baird, trước đây từng là một nhà giao dịch tiền xu vàng, chẳng ngại những tiếng ồn ã phát ra từ công xưởng bên dưới. “Vàng là loại tài sản ổn định. Giá trị của tiền thì lúc nào cũng lên xuống”, Baird nói. Công ty Baird & Co của ông cung cấp vàng cho mọi đối tượng, từ các quỹ lương hưu tới các hãng chế tác nữ trang.

Vị giám đốc điều hành này cho biết: “Máy móc của chúng tôi những ngày này hoạt động không đủ đáp ứng nhu cầu”.

Đang đắt hay vẫn đang rẻ?

Nhu cầu vàng trên thế giới đã gia tăng từ tháng 9/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu leo thang và tấn công mạnh vào các thị trường sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Giới đầu tư có lẽ đã mất niềm tin vào tiền giấy, nhưng đến tháng 6 năm nay, đã có một lượng vốn trị giá 81,6 tỷ USD được đưa vào các quỹ tín thác (ETF) đầu tư vàng, cao gấp 8 lần so với giá trị của các quỹ này vào tháng 3/2006.

Cùng với đó, nhà máy tinh luyện vàng Rand ở Nam Phi, nơi sản xuất đồng xu vàng phổ biến nhất trên thế giới - đồng Krugerrand - phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu. Tháng 5 vừa qua, nhà máy đúc tiền Austrian Mint của Áo đã bán được số đồng xu vàng hiệu Vienna Philharmonic với tổng khối lượng 238.000 oz vàng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra chẳng mấy tin vào vàng. Họ cho rằng, giá vàng đang quá đắt và có thể giảm giá mạnh nếu các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tài sản với khối lượng vàng nắm giữ lớn nhất trên thị trường tiến hành xả hàng. “Người ta đã thổi phồng quá nhiều về vàng, chủ yếu vì quan niệm cho rằng vàng là một ‘vịnh tránh bão’. Trong khi đó, vàng chẳng đem lại thu nhập gì, giá lại quá cao và chỉ phụ thuộc vào cung-cầu. Chúng tôi có cảm giác e sợ khi đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào mà giá đã tăng quá mạnh”, ông Patrick Connolly, một chuyên gia tư vấn thuộc công ty AWD Chase de Vere ở London, Anh, nhận xét.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư trung thành với vàng thì cho rằng, vàng đem đến cho họ một rào cản để chống lại cả lạm phát lẫn giảm phát, đồng thời là một kênh lưu giữ giá trị khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu xuống dốc. Mức độ thích thú của những nhà đầu tư này với vàng rất đa dạng, từ thái độ tin tưởng ở khả năng tăng giá tốt hơn của vàng so với những kênh đầu tư khác khi xảy ra suy giảm tăng trưởng, tới sự ngưỡng mộ cuồng nhiệt đối với kim loại quý này.

Có một điều mà những nhà đầu tư ham thích vàng không chịu chấp nhận, đó là quan điểm cho rằng vàng đang quá đắt. Họ cho rằng, trên thực tế, giá vàng lẽ ra còn có thể cao hơn nhiều, nếu không chịu sự thao túng của các ngân hàng trung ương và các ngân hàng chuyên về vàng vốn là đại diện cho các chính phủ trong hoạt động giao dịch vàng.

“Họ chặn đà tiến của giá vàng như vậy chẳng khác gì một vụ bê bối. Đó sẽ là một vụ bê bối cực lớn nếu bị phanh phui”, ông Bill Murphy, người sáng lập Ủy ban Hành động chống độc quyền vàng (GATA) phát biểu. Từ năm 1999, GATA - một trong nhiều tổ chức của những nhà đầu tư trung thành với việc thúc đẩy lý thuyết về sự gian lận giá vàng - đã tìm cách vén bức màn trên thị trường vàng.

”Vàng là một chiếc nhiệt kế cho nền kinh tế. Giá vàng tăng sẽ gây bất lợi cho các ngân hàng, cho Phố Wall và các chính trị gia. Do đó, để đảm bảo lợi ích, họ tìm cách ghìm giá vàng”, ông Murphy nói. Chuyên gia này luôn giữ quan điểm cho rằng, giá vàng sẽ tăng do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và thị trường.

Theo ông Murphy, từ năm 1955 tới nay, chưa có một báo cáo kiểm toán độc lập nào về dự trữ vàng của nước Mỹ. “Có ai thấy điều này đáng ngờ không?”, ông đặt câu hỏi.

Ông Murphy không phải là người duy nhất kêu gọi kiểm toán độc lập dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Từ năm 1982 tới nay, ông Ron Paul, một nghị sỹ Cộng hòa của Mỹ, đã liên tục đề nghị kiểm toán dự trữ vàng của Mỹ. Trước đây, ông Paul từng làm việc cho Ủy ban Vàng của Mỹ - cơ quan được thiết lập nhằm xác định vai trò của vàng trong hệ thống tiền tệ.

“Vào đầu thập niên 1980, nước Mỹ phải đương đầu với khủng hoảng tài chính và lạm phát cao. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang (FED) không quan tâm tới đề xuất của tôi. Ngay ở thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng hoảng và giá vàng lên tới hơn 800 USD/oz, Chủ tịch FED khi đó là Paul Volcker còn nói: ‘Giá vàng thì là cái gì chứ?’ Ai cũng thừa hiểu, giá vàng cao thể hiện sự mất niềm tin vào tiền giấy. Đó là lý do tại sao các chính phủ sẽ phải thao túng giá vàng và tìm cách tạo ra một mức giá giả tạo cho vàng’, ông Paul nhớ lại.

Trong cuốn sách tựa đề “Gold, Peace and Prosperity” (tạm dịch: “Vàng, hòa bình và thịnh vượng”), ông Paul đã chỉ trích việc chấm dứt chế độ bản vị vàng - hệ thống trong đó tiền giấy được bảo đảm bằng một khối lượng vàng nhất định. Tổng thống Mỹ Nixon là người đã chấm dứt chế độ bản vị vàng vào năm 1971 nhằm nỗ lực vượt qua những áp lực về ngân sách cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và thâm hụt thương mại gia tăng của nước này.

Ông Paul cho rằng, hệ thống tiền giấy không có bảo đảm bằng vàng “cho phép các chính phủ có khả năng tạo lạm phát, kiểm soát nền kinh tế, chi tiêu bừa bãi và tiến hành chiến tranh không cần nhiều cân nhắc”. Ông lo ngại rằng, cả nguồn cung tiền giấy và mức nợ công của các chính phủ hiện nay đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

“Với tôi, tiền giấy là nguồn cơn của rắc rối. Tất cả những vấn đề mà chúng ta đối mặt ngày hôm nay đã được dự báo trước. Vàng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tiền tệ vì vàng có khả năng hạn chế sự chi tiêu của Chính phủ”, ông Paul phát biểu. Theo ông, các ngân hàng trung ương có quyền in và tiêu tiền giấy mà không cần cân nhắc về những hậu quả của việc in tiền đó.

Nhiều nhà phân tích đã phản đối ý tưởng của ông Paul về chế độ bản vị vàng. “Vấn đề cơ bản đối với chế độ bản vị vàng là sự biến động về cung-cầu vàng sẽ khiến giá cả trong mọi lĩnh vực khác bất ổn. Ưu điểm nổi trội duy nhất của chế độ này là vàng đem đến một điểm neo tốt hơn cho sự ổn định dài hạn của giá cả”, ông Ken Rogoff, Giáo sư Đại học Havard từng phục vụ trong bộ phận nghiên cứu của IMF, nói.

Tuy vậy, ngay cả ông Rogoff cũng tin rằng, thế giới đang chứng kiến các dòng vốn tìm đến với vàng. Dự trữ vàng từ lâu vẫn là một thước đo về sự giàu có, và sự dịch chuyển vị trí các kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới là một bằng chứng về “cuộc chiến” căng thẳng giữa một bên là Mỹ và châu Âu, một bên là Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nước Mỹ vẫn là quốc gia sở hữu nhiều vàng nhất, với 8.133,5 tấn vàng, chiếm khoảng 70% dự trữ ngoại hối của nước này. Tiếp đó là Đức với 3.047 tấn vàng, IMF với 3.000 tấn vàng, Italy với 2.452,8 tấn vàng, và Pháp với 2.435,4 tấn vàng. Sau khi đẩy mạnh mua vàng vào năm ngoái, Nga hiện có 668 tấn vàng, trong khi nước Anh chỉ có 310 tấn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có 501 tấn.

Trung Quốc là nước sản xuất nhiều vàng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng chỉ xếp thứ 8 trong danh sách các nước dự trữ nhiều vàng nhất.

Tuy vậy, từ năm 2003 tới nay, nước này đã nâng dự trữ vàng từ mức 400 tấn lên ít nhất 1.054 tấn bằng cách âm thầm gom mua từ các mỏ vàng trong nước và đã có những động thái để mở cửa rộng hơn thị trường vàng nội địa. Mới đây, Trung Quốc đã tăng số ngân hàng được phép giao dịch vàng quốc tế và công bố các biện pháp khuyến khích phát triển các sản phẩm đầu tư liên quan đến vàng.

Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư của Trung Quốc tiếp tục bỏ những khoản tiền kỷ lục để mua vàng. Năm ngoái, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua 73 tấn vàng, tăng mạnh so với mức 18 tấn vào năm 2007.

Giới quan sát thuộc hai trung tâm tài chính New York và London cho rằng, Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc vẫn gom mua vàng từ các mỏ trong nước nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư dự trữ ngoại hối đan gia tăng của nước này. “Giá vàng thế giới sẽ có biến động lớn nếu Trung Quốc mua vàng trên thị trường quốc tế với khối lượng lớn. Nhưng chúng tôi cho rằng, Trung Quốc vẫn đang tích lũy vàng, chỉ có điều là họ không mua ở thị trường quốc tế mà thôi”, một chiến lược gia về đầu tư nhận định.

Những quốc gia khác cũng có thể sẽ tăng mua vàng. Theo Giáo sư Rogoff, “nhiều khả năng, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi sẽ muốn nâng tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối, đưa tỷ lệ này lên mức ngang bằng với mức ở các nước phát triển”. Theo lý giải của vị giáo sư này, điều này một phần xuất phát từ thực tế là, xu hướng dịch chuyển khỏi sự phụ thuộc thái quá vào đồng USD sang những đồng tiền khác như USD “không đủ để phòng ngừa rủi ro về khả năng - dù thấp nhưng không thể loại trừ - về khả năng leo thang của lạm phát trên phạm vi toàn cầu”.

Không chỉ các ngân hàng trung ương muốn mua vàng. Các ông chủ ngân hàng tư nhân cũng tham gia vào cuộc đua này. Adam Fleming là một ví dụ. Là cháu trai của Ian Fleming - người sáng tạo nên nhân vật huyền thoại James Bond - Adam Fleming đồng thời cũng là một nhà đầu tư say mê với vàng, từng có thời làm Chủ tịch hãng khai mỏ vàng lớn thứ 5 thế giới Harmony Gold Mining. Một trong số những nhà băng thuộc sở hữu của nhà Fleming đã được bán năm 2000 với giá 7,75 tỷ USD. Hiện gia đình này hiện vẫn còn trong tay một ngân hàng tư nhân và nhiều cơ sở làm ăn ở miền Nam châu Phi.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Financial Times, ông Adam Fleming nói: “Vàng là ADN của tiền bạc. Khi tiền giấy mất giá, chỉ có các kim loại quý là còn giá trị”. Ông tin là vàng đã bắt đầu khẳng định lại vị trí của mình trên phương diện một đồng tiền thực sự. “Khối lượng tiền giấy đã đạt tới ngưỡng chưa từng thấy trước đây bao giờ. Tôi cảm thấy lo lắng cho thị trường tài chính”, ông phát biểu.

Có sự thao túng của các chính phủ?

Fleming cũng cho rằng, các chính phủ được lợi trong việc duy trì sự kém minh bạch trên thị trường vàng ở một mức độ nào đó, rằng hệ thống tiền giấy ngày nay phụ thuộc vào việc giữ bí mật nhiều vấn đề trong chính sách tiền tệ.

Ông chỉ trích quyết định của cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Gordon Brown khi còn đương chức vào năm 1999 đã bán hơn 400 tấn vàng, tương đương khoảng một nửa dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong một loạt các cuộc đấu giá, để rồi mua vào ngoại tệ. Động thái đó đã gây nhiều tranh cãi, vì khi đó giá vàng chỉ ở mức bình quân 275 USD/oz, và đã vấp phải sự phản đối không hề nhỏ từ BoE. “Đó là một sai lầm thiếu khôn ngoan tới mức gây bất ngờ”, ông Fleming nói.

Theo ông Fleming, việc các chính phủ thao túng thị trường vàng đã không còn là chuyện mới. Ông lập luận rằng, điều này đã xảy ra từ giữa thập niên 1930, khi Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt cấm việc sở hữu vàng cá nhân, ngoại trừ vàng nữ trang. Đồng tình với lý thuyết của tổ chức GATA cho rằng các ngân hàng trung ương tới giờ vẫn che đậy hoạt động thao túng thị trường vàng, ông Fleming nhận định, không chỉ có vàng mà tất cả các đồng tiền cũng thường xuyên bị thao túng bởi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Những tin đồn gần đây nhất về sự thao túng giá vàng nổi lên lần đầu vào năm 1998, sau sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Long Term Capital Management (LTCM). Theo GATA, vào thời điểm sụp đổ, LTCM đã bị thiếu hụt mất hơn 400 tấn vàng. GATA cũng nghi vấn khả năng vụ bán vàng đã đề cập ở trên của BoE (diễn ra ngay trước khi LTCM sụp đổ) có thể đã được dàn xếp để hỗ trợ cho các ngân hàng vàng có vàng để chốt các hợp đồng bán khống kim loại quý này. Cựu luật sư của LTCM đã lên tiếng phủ nhận sự nghi vấn này của GATA.

Nhìn lại, rõ ràng là quyết định của ông Gordon Brown bán ra một lượng lớn như vậy trong dự trữ vàng của nước Anh ở một mức giá thấp như vậy là một quyết định có sự tư vấn tồi. Tuy nhiên, mục đích chính thức của việc bán vàng này được công bố khi đó là tăng tỷ lệ nắm giữ các loại ngoại tệ và tài sản khác phục vụ lợi ích của nước Anh.

Một báo cáo về vụ bán vàng này do Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh vào tháng 1/2001 kết luận, đợt bán vàng “được thực hiện theo quan điểm về biện pháp tốt nhất ở thời điểm đó”, đồng thời nhấn mạnh, các ngân hàng trung ương ở Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Malaysia khi đó cũng mạnh tay bán vàng ra.

“Mục đích chính của việc bán vàng là tái cơ cấu dự trữ ngoại hối của nước Anh nhằm đạt tới sự cân bằng tốt hơn trong danh mục đầu tư thông qua việc tăng tỷ lệ nắm giữ tiền tệ. Quyết định trên được đưa ra trên cơ sở giá vàng trên thị trường suy giảm, từ mức 850 USD/oz vào tháng 1/1980 xuống còn bình quân 300 USD/oz từ năm 1998”, các nhà kiểm toán Anh viết.

Nhiều nhà kinh tế học cũng không đồng tình với quan điểm của GATA cho rằng, những nỗ lực thao túng thị trường đang cản trở sự tăng giá của vàng. “Thị trường vàng là một thị trường lớn và không nằm trong biên giới của quốc gia nào. Làm sao có thể có chuyện giá vàng bị thao túng mà vẫn tăng tới mức như vậy trong thập kỷ qua”, ông Jeffrey Nichols, Giám đốc điều hành công ty tư vấn American Precious Metals Advisers ở New York Mỹ, phát biểu.

Ông Martin Munrenbeeld, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Dundee Wealth Economics ở Canada, thì cho rằng: “Nhiều người đã thổi phồng về tầm quan trọng của vàng, khi tin là FED và Tổng thống Mỹ phải thao túng giá vàng”.

Dù đúng hay không đúng, những lời đồn đoán về việc các chính phủ thao túng giá vàng càng khiến kim loại này thêm phần huyền bí. Thậm chí, những người phủ nhận quan điểm này cũng cho rằng, quy luật cung-cầu có thể đẩy giá vàng lên cao nữa trong tương lai. Sản lượng vàng của các hãng khai mỏ ở Nam Phi, Australia, Trung Quốc và miền Tây nước Mỹ đang giảm xuống. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương, các quỹ lương hưu và các nhà đầu tư cá nhân ngày càng tìm đến nhiều hơn với các bàn giao dịch vàng.

Ngoài ra, sự leo thang của giá vàng còn xảy ra đồng thời với sự bất mãn của công chúng trước việc các chính phủ không thể giải quyết những khó khăn của đất nước. Những báo cáo kinh tế đáng ngại vẫn đang phát đi từ nhiều nền kinh tế trên thế giới. Thâm hụt ngân sách, nợ công cao phổ biến khắp châu Âu. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đang cao ngất ngưởng, và Chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng, ngân sách liên bang đang trong tình trạng “không bền vững”. Nhiều nhà phân tích đang lo ngại rằng, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái kép.

Với tình hình như thế, không có gì là ngạc nhiên khi thế giới quay trở lại với vàng. Có thể nói, lợi ích của các nhà đầu tư mua vàng chưa chắc đã phải là một lá phiếu cho thấy sự tin tưởng ở kim loại quý, nhưng có thể là một lá phiếu về sự thiếu niềm tin vào các ngân hàng trung ương và chính phủ.