Đầu mối quản nợ công "đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý"
Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước và nợ công
Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ.
Sáng 23/11, với đa số tán thành thông qua Luật Quản lý nợ công, Quốc hội đã chốt lại những tranh luận kéo dài về đầu mối quản lý nợ công, như quy định nói trên.
Trước khi Quốc hội bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo lý do chọn phương án như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Báo cáo cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến tán thành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như dự thảo luật.
Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay nợ. Có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong luật. Đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước. Có ý kiến đề nghị giữ như luật hiện hành, bổ sung cơ chế phối hợp và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phối hợp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.
Trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: "chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ".
Luật cũng giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.
"Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, nội dung này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội báo cáo xin ý kiến và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền", báo cáo giải trình nêu rõ.
Đồng thời, để tránh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, thống nhất về mặt pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung khoản 3 điều 62 theo hướng quy định rõ: trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa luật này và Luật Đầu tư công, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số thì áp dụng theo quy định của luật này.
Uỷ ban Thường vụ cũng nhấn mạnh, quy định trong dự thảo luật là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Đồng thời giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan. Việc này cũng tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Du lịch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí,…
Với lần sửa đổi này, luật cũng đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, tiếp thu ý kiến đại biểu, luật đã bổ sung quy định tổ chức tín dụng được lựa chọn là cơ quan cho vay lại phải đáp ứng điều kiện: phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Đây là điều kiện rất chặt chẽ, khách quan do các tổ chức này hoạt động độc lập, có uy tín trên phạm vi toàn cầu, xếp hạng theo phương pháp, quy trình đánh giá rất khắt khe cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro, báo cáo nêu rõ.