16:43 19/08/2008

Dầu ngày càng khó tìm

Kiều Oanh

Các công ty dầu lửa lớn ngày càng nhiều khó khăn trong việc tìm ra những mỏ dầu mới, mặc dù họ có rất nhiều vốn

Công nhân làm việc tại một mỏ dầu ở Venezuela - Ảnh: Reuters.
Công nhân làm việc tại một mỏ dầu ở Venezuela - Ảnh: Reuters.
Sản lượng dầu tại mọi công ty dầu lửa phương Tây đều đã bắt đầu giảm xuống. Các công ty này đang gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc tìm ra những mỏ dầu mới, mặc dù họ có rất nhiều vốn và rất muốn mở rộng hoạt động.

Một phần lý do của thực trạng này là các vấn đề chính trị. Từ khu vực biển Caspian tới Nam Mỹ, các công ty dầu lửa đang bị các quy định của các quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa gạt ra ngoài. Các công ty này đã và đang phải nỗ lực đàm phán lại các hợp đồng thăm dò và khai thác với những điều khoản ít ưu đãi hơn, đồng thời phải giành giật các mỏ dầu với các công ty dầu khí nhà nước.

Hiện phần lớn sản lượng của các công ty dầu khí phương Tây là từ các mỏ dầu đã khai thác lâu năm và đang có chiều hướng đi xuống như ở khu vực Biển Bắc.

Sản lượng sụt giảm

Các chuyên gia cho rằng, sự thật là các công ty dầu lửa lớn đã từng một thời thống trị thị trường thế giới đã mất đi nhiều ảnh hưởng, cùng với khả năng trong việc tăng sản lượng.

“Đây là một ngành công nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng. Khủng hoảng lãnh đạo, khủng hoảng chiến lược, và khủng hoảng về những gì sẽ xảy tới trong tương lai đối với các tập đoàn lớn. Họ biết là họ phải tiến lên, nhưng lại không biết tiến về đâu”, ông Amy Myers Jaffe, Phó giám đốc chương trình năng lượng của Đại học Rice (Mỹ), nhận xét.

Việc giá các loại hàng hóa giảm tới 20% trong vòng 1 tháng qua phản ánh sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ tới, thế giới sẽ cần nhiều dầu hơn cho các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á như Trung Quốc. Khó khăn trong việc tìm kiếm những nguồn dầu mới của các công ty dầu lửa cho thấy, nhu cầu dầu tăng thêm này sẽ khó được đáp ứng.

Sản lượng dầu của thế giới đã không đuổi kịp nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong những năm gần đây, khiến giá dầu liên tiếp lập kỷ lục trong năm nay. Dù đã giảm, hiện giá dầu vẫn ở trên mức 100 USD/thùng, một mức ít ai có thể tưởng tưởng ra nổi cách đây 1 năm. Giá dầu cao đã tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, đẩy lạm phát lên cao, gây khó khăn cho đời sống người tiêu dùng và khiến các hãng sản xuất ô tô lỗ nặng.

Những khó khăn trong khai thác dầu trở nên rõ nét hơn khi 5 công ty dầu lửa lớn nhất được niêm yết trên thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Exxon Mobil, cho biết sản lượng của họ trong quý 2 đã giảm tổng số 614.000 thùng một ngày, mặc dù lợi nhuận của các hãng này lên tới 44 tỷ USD. Đây là mức sụt giảm sản lượng mạnh nhất trong 5 quý liên tiếp đi xuống vừa qua.

Mặc dù con số sản lượng giảm này nghe “chẳng thấm vào đâu” so với lượng dầu 86 triệu thùng mà thế giới hiện tiêu thụ mỗi ngày, nguồn cung thị trường hiện nay thắt chặt đến nỗi, chỉ một con số nhỏ về sản lượng co lại cũng có thể đẩy giá tăng cao.

Do những khó khăn của ngành dầu khí, các chuyên gia năng lượng không kỳ vọng sản lượng dầu từ các quốc gia ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tăng trong năm nay. Nhu cầu dầu thế giới được dự báo là sẽ tăng thêm 800.000 thùng/ngày trong năm nay, chủ yếu do nhu cầu tăng thêm ở Trung Quốc và Trung Đông, bất chấp nhu cầu giảm ở các nước đang phát triển.

Sự mất cân bằng cung cầu này sẽ là một trong những vấn đề mà các bộ trưởng khối OPEC phải cân nhắc tới để quyết định tăng hay không tăng sản lượng trong cuộc họp vào tháng 9 tới đây ở Vienna, Áo. Hiện sản lượng dư thừa của OPEC là 2 triệu thùng/ngày.

Trật tự mới

Trật tự mới trong ngành dầu lửa mới chỉ nổi lên trong vài thập kỷ trở lại đây. Vào thập niên 1970, các công ty dầu lửa phương Tây kiểm soát quá nửa sản lượng dầu của thế giới. Tuy nhiên, các hãng này - bao gồm Exxon Mobil của Mỹ, BP của Anh, Royal Dutch Shell của Hà Lan, Chevron của Mỹ, ConocoPhillips của Mỹ, Total của Pháp và Eni của Italy - hiện chỉ chiếm 13% sản lượng dầu toàn cầu.

10 tập đoàn dầu lửa nắm giữ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện nay là các công ty nhà nước, trong đó có Gazprom của Nga và công ty dầu lửa quốc gia Iran.

Nguồn cung eo hẹp đã làm dấy lên những dự báo ảm đảm về tương lai của ngành dầu khí, rằng sản lượng dầu của thế giới đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, lý thuyết này là sai lầm. Họ khẳng định thế giới không hết dầu, mà thay vào đó, các công ty “cừ” nhất trong việc khai thác dầu đang không có mỏ dầu để khai thác.

“Về mặt địa chất, dầu không thiếu, nhất là ở những nơi như Venezuela, Nga, Iran và Iraq. Dầu chỉ thiếu trên phương diện địa chính trị”, nhà phân tích năng lượng Arjun Murti của ngân hàng Goldman Sachs nhận xét.

Theo giới chuyên gia, các công ty dầu lửa phương Tây xuất sắc hơn phần lớn các công ty nhà nước trong việc tìm kiếm và khai thác dầu. Họ sở hữu công nghệ thăm dò tiên tiến và có nguồn tài chính dồi dào để khai thác các mỏ dầu mới. Tuy nhiên, nhiều nước xuất khẩu dầu đã từ chối sự hợp tác của các công ty này.

Lãnh đạo các công ty dầu lửa đã có cách giải thích thẳng thắn về thực tế này, đó là xu hướng chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề tài nguyên. Họ phản đối việc mình bị gạt ra ngoài những khu vực nhiều tiềm năng ở Trung Đông, Nga, Nam Mỹ và nhiều nơi khác do các chính phủ ở đây muốn giành toàn quyền kiểm soát các mỏ dầu.

Thậm chí ở những khu vực các công ty này được phép hoạt động, họ phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn. Các nước như Nga, Algeria, Nigeria và Angola mới đây đã tìm cách đàm phán lại hợp đồng với các nhà đầu tư dầu khí nước ngoài để có được tỷ lệ lợi nhuận cao hơn.  “Vấn đề đối với nguồn cung dầu hiện nay là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên này”, Chủ tich hãng Exxon, ông Rex Tillerson cho biết.

Tìm giải pháp

Đây chính là lý do tại sao các công ty dầu lửa của Mỹ muốn được khoan tìm dầu nhiều hơn ở ngoài khơi bờ biển nước này. Họ coi đây là một trong số những lựa chọn ít ỏi của mình.

Bên cạnh đó, các công ty dầu lửa phương Tây cũng nỗ lực đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động. Các công ty này hiện đã coi khí tự nhiên là một lĩnh vực có khả năng đem lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, họ còn tìm đến các nguồn khác như các mỏ dầu ở vùng nước sâu, dầu nặng hoặc dầu cát. Một số công ty như Shell và BP còn đầu tư vào năng lượng tái sinh.

Lẽ ra, các công ty dầu lửa đã làm được nhiều hơn. Họ đã không đầu tư nhiều vào hoạt động thăm dò sau khi giá dầu sụt giảm mạnh vào giữa thập niên 1980 và kéo dài tới những năm 1990.

Vào năm 1994, 5 công ty dầu lửa hàng đầu thế giới chi 3% lượng tiền mặt dư thừa của họ vào việc mua lại cổ phiếu và 15% vào hoạt động thăm dò. Đến năm 2007, họ chi 34% lượng tiền này vào mua lại cổ phiếu nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao, và chỉ 6% cho hoạt động thăm dò. Kết quả, một số chuyên gia dự báo rằng nguồn cung dầu sẽ thấp hơn so với nhu cầu của thế giới trong thập kỷ tới đây.

Tại một hội nghị mới đây, CEO của Total là Christophe de Margerie cho rằng, thế giới sẽ gặp khó trong việc nâng sản lượng dầu quá mức 95 triệu thùng vào năm 2020. Mới chỉ cách đây vài năm, các chuyên gia dự báo sản lượng dầu của thế giới sẽ lên tới 120 triệu thùng vào năm 2030 – một con số mà giới phân tích hiện cho là phi thực tế.

Từ năm 2005 tới nay, các công ty dầu lửa lớn đã tăng đầu tư vốn để mở rộng hoạt động, mặc dù phần lớn trong khoản đầu tư tăng thêm này là để bù đắp cho chi phí phát triển tăng. Trong vòng 3 năm tới, Exxon sẽ chi khoảng 25 tỷ USD mỗi năm để mở rộng hoạt động, so với mức 15 tỷ USD mỗi năm từ năm 2002 tới năm 2006. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, như vậy sẽ vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu dầu của thế giới.

Trong bối cảnh quyền lực và ảnh hưởng của các công ty dầu lửa phương Tây bị xói mòn, thế giới sẽ ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn cung dầu từ các công ty dầu lửa nhà nước. “Trong tương lai, chúng ta sẽ phải phụ thuộc và các công ty dầu lửa của Venezuela, Nigeria hay Iran về nguồn cung dầu”, ông Bruce Bullock, Giám đốc viện năng lượng tại Đại học Southern Methodist, nhận xét.

(Theo New York Times)