Dầu thô sụt giá sau khi đạt đỉnh gần 1 năm
Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch nhiều biến động ngày thứ Hai (4/1), cùng chiều với diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ
Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch nhiều biến động ngày thứ Hai (4/1), cùng chiều với diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ, khi nhà đầu tư lo ngại về diễn biến Covid-19 và chờ kết quả cuộc bầu cử phụ ở bang Georgia.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,5 USD/thùng, tương đương giảm 1% so với mức chốt năm 2020, còn 51,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,9 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 47,62 USD/thùng.
Vào đầu phiên giao dịch, giá của cả hai loại dầu đều có lúc tăng hơn 1 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 đối với dầu WTI và cao nhất kể từ tháng 3/2020 đối với dầu Brent. Sau đó, giá dầu giằng co và chốt phiên trong trạng thái giảm.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, thường gọi là nhóm OPEC+, nhóm họp ngày 4/1 nhưng chưa quyết định được có nâng sản lượng khai thác dầu từ tháng 2 hay không. Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin CNBC, OPEC+ sẽ tiếp tục họp vào ngày 5/1 để thảo luận vấn đề sản lượng.
Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa trong phiên này chịu ảnh hưởng bất lợi từ phiên giảm điểm mạnh trên thị trường chứng khoán Phố Wall. Chỉ số S&P 500 trượt gần 1,5% khi thị trường bất an trước cuộc bầu cử ở Georgia và số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh.
Số phận chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Joe Biden - bao gồm điều chỉnh lại chính sách thuế của Mỹ, tăng cường kích cầu và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng - đang tùy thuộc nhiều vào kết quả cuộc bầu cử phụ diễn ra tại Georgia vào ngày 5/1. Cuộc bầu cử này sẽ quyết định Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ. Tổng thống Donald Trump ngày 4/1 đã lên đường tới Georgia để vận động tranh cử cho các ứng cử viên Cộng hòa.
Đến nay, tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đã lên tới hơn 350.000 người. Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Anh phải tiến hành phong tỏa vì lượng bệnh nhân Covid-19 quá lớn đang đẩy hệ thống y tế vào tình trạng quá tải.
OPEC+ đã tăng sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng này, nhưng một số thành viên đặt câu hỏi về sự cần thiết phải tăng thêm sản lượng từ tháng 2 trong bối cảnh Covid-19 leo thang.
"Việc triển khai vaccine Covid-19 còn chậm chạp, và đây không phải là điều kiện thuận lợi để tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng 2", nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định.
Theo số liệu từ Reuters, giá dầu bình quân trong năm 2020 thấp hơn khoảng 20% so với mức giá bình quân của năm 2019. Vào tháng 4 năm ngoái, có lúc giá dầu WTI sụt chớp nhoáng về âm 40 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử giảm dưới ngưỡng 0, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong báo cáo ra tháng 12, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức bình quân 47 USD/thùng trong quý 1/2021 và sẽ tăng lên 50 USD/thùng vào quý 4.