Dầu trượt giá vì nỗi lo kinh tế giảm tốc
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang là một vấn đề lớn phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu
Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi dữ liệu kém khả quan về kinh tế Trung Quốc làm gia tăng mối lo về sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 51,93 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent trượt 1,07 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 60,94 USD/thùng.
Theo hãng tin Reuters, giá dầu đã giảm khoảng 20% kể từ mức đỉnh của năm 2019 thiết lập hồi tháng 4, một phần do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và những số liệu kinh tế gây thất vọng.
Hôm thứ Sáu, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất hơn 17 năm. Theo đó, trong tháng 5, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 5,5% mà giới phân tích đưa ra và mức tăng 5,4% của tháng 4.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang là một vấn đề lớn phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có một cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này. Ông Trump đã nói sẽ gặp ông Tập, nhưng Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
"Tất cả các dữ liệu thống kê đều đang cho thấy nhu cầu sẽ yếu đi", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét. "Điều này khiến thị trường lo ngại".
Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đã hạ dự báo giá dầu Brent trong nửa cuối của 2019 về 63 USD/thùng, từ mức 68 USD/thùng đưa ra trong lần dự báo trước, do triển vọng nhu cầu yếu đi.
Giá dầu hiện vẫn đang được hỗ trợ bởi căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông sau vụ tấn công tuần trước nhằm vào hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này, nhưng Tehran phủ nhận.
Thị trường hiện cũng đang chờ cuộc họp sắp tới giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+. Cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ quyết định việc OPEC+ có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Theo thỏa thuận được thực thi từ ngày 1/1, OPEC+ giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận sẽ hết hạn sau 6 tháng nếu không được gia hạn.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tăng. Một báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng của 7 mỏ dầu đá phiến chính của nước này có thể tăng thêm 70.000 thùng/ngày trong tháng 7, đạt mức kỷ lục 8,52 triệu thùng/ngày.