07:34 24/02/2022

Đầu tư cho đối thoại xã hội không phải là chi phí

Vũ Khuê

Không ai có thể tránh khỏi đại dịch nhưng với các công cụ đối thoại tại nơi làm việc phù hợp thì tỷ lệ thất nghiệp và mất thu nhập có thể được giảm thiểu, đồng thời có thể duy trì các điều kiện làm việc tốt, an toàn tại nơi làm việc...

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu tại hội thảo.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu tại hội thảo.

Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp thế nào tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch” do Đại sứ quán Thụy Điển, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) phối hợp tổ chức.

 

"Đại dịch cũng cho thấy sự cần thiết phải cân nhắc về cách thức kinh doanh để chúng ta triển khai làm việc đó theo cách bền vững hơn".

Bà Ann Måwe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe nhấn mạnh, khi làn sóng Covid-19 thứ tư đổ bộ vào Việt Nam vào tháng 5 năm 2021, nó đã kéo theo những thách thức lớn đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam: thiếu lao động, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cũng như làm bộc lộ những thách thức về kinh tế và xã hội.

Theo bà Ann Måwe, đối thoại tại nơi làm việc là yếu tố then chốt cho một nền kinh tế thị trường vận hành tốt, thúc đẩy một xã hội gắn kết hơn, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kinh doanh bền vững. Người lao động có thêm ảnh hưởng và đạt được điều kiện làm việc tốt hơn. Các công ty hưởng lợi nhờ việc tăng năng suất. Cả xã hội hưởng lợi từ sự ổn định chung xã hội.

MINH BẠCH TRONG ĐỐI THOẠI LÀ YẾU TỐ CỐT LÕI

Là doanh nghiệp điển hình trong thực hiện đối thoại tại nơi làm việc thành công, bà Trần Thị Minh Phương, đại diện Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam) cho biết, Crystal Martin rất tích cực đối thoại tại nơi làm việc. Cứ vào ngày 25 hàng tháng, Công ty tổ chức đối thoại với đại diện người lao động là công đoàn.

Người lao động tại Crystal Martin Việt Nam
Người lao động tại Crystal Martin Việt Nam

Crystal Martin Việt Nam có hơn 10.000 công nhân, nên để đạt được sự truyền thông, đối thoại hiệu quả, lãnh đạo doanh nghiệp đã nghĩ tới các kênh mạng xã hội như facebook (hơn 8.000 thành viên), zalo, App… để trao đổi thông tin, truyền tải thông điệp của mình tới người lao động.

Trong vòng 3 năm qua, App này rất hữu ích giúp công ty quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả. Đây là vai trò quan trọng của truyền thông nội bộ đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid, điều này đã giúp công ty giải quyết được các khó khăn.

Đặc biệt trong App còn có mục “học trực tuyến” dành cho lực lượng lao động. Có chính sách để tập huấn nhằm bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, cởi mở chia sẻ những vấn đề đạo đức, xã hội.

 

“Crystal Martin Việt Nam đặt sự minh bạch là yếu tố cốt lõi, nên vào ngày thứ 3 mỗi tháng, công ty thông báo kết quả cuộc đối thoại xã hội thông qua các kênh online hoặc bảng tin của công ty. Đặc biệt, công ty có phần hỏi đáp, đối thoại với người lao động, thúc đẩy sự tự do ngôn luận…”

Bà Trần Thị Minh Phương, đại diện Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam

Cùng với đó, đường dây nóng giúp nhân viên nhận được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp và nhanh nhất. Công ty còn tổ chức các cuộc phỏng vấn trực tiếp nhân viên, người lao động… Do đó, các vấn đề phát sinh được giải quyết một cách hiệu quả, nhanh chóng vì thế lãnh đạo doanh nghiệp đạt được sự tín nhiệm hơn với người lao động.

Để vượt qua thời điểm thách thức nhất trong đại dịch ở Bắc Giang, doanh nghiệp thực hiện 3 mô hình tại chỗ: ăn cùng nhau, làm việc cùng nhau, nghỉ ngơi cùng nhau trong thời điểm giãn cách.

“Chúng tôi áp dụng mô hình này tại tất cả các nhà máy ở Bắc Giang. Quá trình này rất khó khăn ban đầu nhưng sau đó hoạt động rất hiệu quả trong thời gian đại dịch. Mô hình chúng tôi làm đó là vừa là khách sạn, vừa là nhà máy, là bệnh viện, vừa kinh doanh… khi giãn cách. Trong thời gian đó chúng tôi đã tối ưu được các nền tảng face, zalo, App để nhận được sự ủng hộ của người lao động. Cũng chính hiệu quả này, chúng tôi đã huy động được nguồn vốn 25.000 USD từ bên ngoài để mua thực phẩm cho công nhân đang thuê nhà gần khu vực công ty”, bà Phương chia sẻ.

ĐỐI THOẠI KHÔNG BAO GIỜ DỪNG LẠI

Đánh giá cao mô hình đối thoại của Crystal Martin Việt Nam, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, đầu tư cho những vấn đề liên quan tới đối thoại xã hội không phải là chi phí mà là đầu tư cho mỗi quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp.

Vì vậy, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp cần học hỏi những mô hình tốt. Bởi mỗi doanh nghiệp có một quy mô, ở vùng miền, văn hoá, người lao động khác nhau.

“Doanh nghiệp cần xây dựng sự tin tưởng, thông tin cần công khai, minh bạch vì chủ doanh nghiệp và người lao động cùng đi chung trên một con thuyền. Nên dù bất cứ khó khăn nào như Covid-19 cũng cùng nhau chia sẻ khó khăn, liên tục phát triển, vượt qua những thách thức khó lường trong tương lai”, bà Lan Anh kiến nghị.

Cùng nhận định trên, ông Ngô Quang Khánh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đối thoại lao động thực sự rất cần thiết, do đó cần được tăng cường và không bao giờ dừng lại. Đối thoại tác động tích cực tới việc làm bền vững, năng suất lao động, cũng như cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp.

Song nguyên tắc đối thoại là phải phối hợp, thiện chí, công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch. Nếu phát sinh vấn đề trong doanh nghiệp mà không tổ chức đối thoại, thì không thể giải quyết được khúc mắc đó. Nhiều vướng mắc nếu không giải quyết ngay, chỉ trong vòng 1-2 tiếng vấn đề đã nghiêm trọng hơn rất nhiều, thiệt hại khó lường.