10:16 02/05/2009

Đầu tư chứng khoán, có khi cần… đơn giản

Minh Đức

“Bảo toàn vốn và đứng ngoài cuộc trong những đợt sóng vừa qua là một thất bại”

Nửa cuối tháng 4, thị trường chứng kiến sự tạm rút của một phần các tổ chức sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Sự hưng phấn của nhà đầu tư nhỏ cũng tạm chùng xuống - Ảnh: Việt Tuấn.
Nửa cuối tháng 4, thị trường chứng kiến sự tạm rút của một phần các tổ chức sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Sự hưng phấn của nhà đầu tư nhỏ cũng tạm chùng xuống - Ảnh: Việt Tuấn.
“Bảo toàn vốn và đứng ngoài cuộc trong những đợt sóng vừa qua là một thất bại”, đúc kết của một nhà đầu tư sau nhiều đêm suy xét lại mình, dù đã tham gia thị trường hơn ba năm qua với nhiều nếm trải.

Con chim bị tên…

Kỳ nghỉ tại Hà Nội lần này của anh Duy từ Đồng Nai cũng là dịp “offline” chia sẻ quan điểm với những nhà đầu tư đã thân quen trên mạng. Suy luận và đúc kết của anh nghe qua có vẻ hời hợt, nhưng cũng phải mất nhiều trăn trở; và tưởng như đã là kinh nghiệm mà vẫn mới.

Từ đáy 234 điểm, VN-Index vọt lên gần 348 điểm, tăng gần 50% chỉ trong một tháng rưỡi. Một bước tăng choáng ngợp sau 6 tháng suy giảm triền miên trước đó. Cũng như với anh Duy, đó là bất ngờ lớn với nhiều nhà đầu tư.

Có thể xem một gợi mở quan trọng từ giao dịch của khối đầu tư nước ngoài. Sau chuỗi bán ròng với mức độ chưa từng có trong quý 4/2008 (khoảng 127 triệu USD), từ giữa tháng 3/2009, khối ngoại bắt đầu trở lại mua ròng mạnh. Chính xác từ phiên ngày 18/3, họ mở chiến dịch mua ròng dồn dập hơn 10 phiên liên tiếp trên HOSE. Đỉnh điểm, trong các phiên 24, 25 và 26/3, giá trị mua ròng của khối này đột biến từ 65 tỷ đến trên 85 tỷ đồng mỗi phiên. Và tháng 3 cũng là tháng duy nhất kể từ đầu năm họ mua ròng.

Sau đà trượt dốc triền miên, thị trường chứng khoán Việt Nam được ví như một đám than đã vạc lửa, nhưng vẫn âm ỉ chờ thời. Và chiến dịch mua ròng mạnh mẽ đó của khối ngoại là một ngọn gió góp sức thổi bùng sức nóng như từng có ở giai đoạn cuối 2006 đầu 2007. Sau vùng lưỡng lự 250 – 260 điểm, VN-Index nhanh chóng bật trên mốc 300 điểm và “suýt” tái lập mốc 350 điểm.

Nhưng vẫn có những nhà đầu tư không bắt kịp ngọn gió đó.

Một phần nguyên do là quá thận trọng, nhất là khi ở giữa bộn bề tin xấu từ loạt cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, từ khó khăn của kinh tế vĩ mô và hoạt động của các doanh nghiệp, hay sự bí bách của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới… Mặt khác, luồng gió từ khối ngoại lại bị ám ảnh bởi mục đích “làm đẹp” báo cáo tài chính năm 2008 kết thúc vào ngày 31/3/2009.

Nửa đầu tháng 4, thị trường sôi sục với những phiên sức cầu vọt trên 100 triệu đơn vị; kỷ lục khối lượng liên tục bị đánh đổ với đỉnh điểm trên 100 triệu đơn vị cả hai sàn, giá trị giao dịch liên tục duy trì trên dưới 2.000 tỷ đồng/phiên, cao điểm đạt tới 2.500 tỷ đồng; nhiều cổ phiếu lập kỷ lục khối lượng cho riêng mình và cho lịch sử thị trường trong phiên nhưng vẫn không đủ xoa dịu sức cầu ngột ở giá trần… Nguồn tiền đổ vào sàn quá hùng hậu.

Nhưng, chốt chặn đối với quyết định nhập cuộc của anh Duy, cũng có thể là suy luận của những nhà đầu tư khác, là sự lo ngại về bản chất nguồn tiền. Liệu sự hùng hậu đó có nguồn gốc từ vốn vay kích cầu dùng sai mục đích, từ vay vốn tiêu dùng chuyển sang? Liệu câu hỏi đó được đẩy lên thành vấn đề và cơ quan chức năng vào cuộc soát xét, lượng tiền lại rút ra nhanh chóng và thị trường hạ áp đột ngột, sau đó là đổ vỡ?

Những câu hỏi khó trả lời, lưỡng lự và lỡ tiếp chuyến tàu đầu tháng 4.

“Bảo toàn vốn và ngoài cuộc trong những đợt sóng vừa qua là một thất bại. Có lẽ mình như con chim bị tên sợ cành cây cong sau những lần “đứt tay”, quá thận trọng trước những suy tính bất lợi”, anh Duy nói.

Đi theo nhà đầu tư lớn

Sau những suy xét và cả tiếc nuỗi, anh Duy nói “cùn”: “Đầu tư chứng khoán có khi cần đơn giản, không trói chặt cứng nhắc trong những nguyên tắc, phân tích, tính toán quá thận trọng”.

Sự “đơn giản” trong đợt sóng vừa qua được nhà đầu tư này đưa ra bằng kết luận: thị trường thuộc về nhà đầu tư lớn, họ vào cuộc và đánh lên thành công, tạo sự lôi kéo đối với các nhà đầu tư cá nhân. Và đi theo các tổ chức lớn, một lần nữa cho thấy có thể là một cách để gặt hái thành quả.

Công việc của nhà đầu tư đi theo cách này là nắm bắt những chỉ báo về khối lượng, mổ xẻ các sổ lệnh để xem xét “gửi nhờ”. Như tại STB, một điển hình vào cuộc mạnh của các tổ chức cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Thành công tại mã này cũng đã tạo sức lôi kéo chung đối với thị trường. Nhà đầu tư nhỏ bắt theo có thể yên tâm “hưởng lợi” khi các lệnh lô lớn thường chất trần đầy uy thế để hỗ trợ, dù có những phiên đại xả hàng từ 10 - 13 triệu đơn vị.

Hay tại SSI, sự vào cuộc cực mạnh và bền bỉ của các tổ chức lớn trong nước chống đỡ kỳ dội bom không thương tiếc của khối ngoại kéo dài cuối tháng 2 đầu tháng 3 cũng đã củng cố tâm lý cho nhà đầu tư nhỏ lẻ yêu thích mã này. Nối tiếp sau đó, cùng với STB, SSI là một đầu mối lôi kéo thị trường vào đợt hồi phục ấn tượng; giá trị riêng là 11 phiên tăng trần liên tiếp đầu tháng 4.

Nhiều nhà đầu tư nhỏ đã thành công khi hòa nhịp cùng nhà đầu tư lớn, không loại trừ khả năng bị cuốn theo. Tất nhiên, cũng không hoàn toàn đơn giản để bắt được đúng nhịp, nhất là khi vẫn có những quyết định bị đè nặng bởi những nghi ngại như cân nhắc của anh Duy.

Nửa cuối tháng 4, thị trường chứng kiến sự tạm rút của một phần các tổ chức sau khi đạt lợi nhuận kỳ vọng. Sự hưng phấn của nhà đầu tư nhỏ cũng tạm chùng xuống. Một số nhà môi giới nhận định rằng thì trường đang tìm lại trạng thái cân bằng. Mốc hỗ trợ 305 điểm của VN-Index vẫn thể hiện khá mạnh nhưng sức cầu không còn hùng hậu.

Và thời điểm này, một câu hỏi lớn đang được đặt ra, là những nhà đầu tư lớn đã ở đâu từ nửa cuối tháng 4? Bao giờ họ trở lại?

Phía sau câu hỏi này là sự chờ đợi thường trực của nhiều nhà đầu tư cá nhân. “Thị trường chứng khoán vẫn luôn có yếu tố bất ngờ và hấp dẫn. Lần này, nếu họ trở lại, tôi sẽ quyết định đơn giản hơn”, anh Duy nói.