Đầu tư công là động lực cho tăng trưởng thời Covid, chọn cổ phiếu nào để hưởng lợi?
Đẩy mạnh đầu tư công bắt buộc phải trở thành động lực tăng trưởng chính sau khi những đầu kéo như Xuất khẩu, Tiêu dùng đang gặp nhiều trở ngại...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), giải ngân đầu tư công từ đầu năm ước tính đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2020 nhưng mới đạt 36,8% kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể so với mức tăng trưởng khoảng 30% của 2020 so với 2019. Các dự án giải ngân từ đầu năm chủ yếu là các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016 – 2020 tập trung chủ yếu ở một số dự án lớn như Cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành.
Đánh giá việc giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng, theo giới chuyên gia, do dịch bệnh Covid rất phức tạp, kéo dài bùng phát tại nhiều địa phương nơi có những dự án trọng điểm, đặc biệt là khu vực phía Nam. Tiến độ giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều khúc mắc, chậm kết toán công trình.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng đang tăng cao như thép, cát, đá (tăng khoảng 60% từ đầu năm) ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu và hiệu quả của dự án.
Về triển vọng đầu tư công 6 tháng cuối năm 2021, Chứng khoán Agriseco cho rằng, đây sẽ là đầu kéo khả thi nhất cho giai đoạn 6 tháng cuối năm và 2022 bởi các động lực tăng trưởng như xuất nhập khẩu, tiêu dùng đang suy yếu do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Cán cân thương mại chuyển dịch từ xuất siêu sang nhập siêu, nhập siêu 1,47 tỷ USD nửa đầu năm. Giá hàng hóa vẫn ở mức cao khiến chi phí nhập khẩu tăng mạnh, Agriseco đánh giá hiện tượng nhập siêu sẽ tiếp diễn trong các tháng tới trước khi được cải thiện các tháng cuối năm khi giá nguyên vật liệu được cân bằng trở lại. Năm 2021, Việt nam có thể nhập siêu sau 5 năm xuất siêu liên tiếp, tình trạng nhập siêu sẽ trở ngại cho kinh tế 6 tháng cuối năm 2021.
Từ đầu năm tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay khi dịch bệnh được khống chế, tuy nhiên Covid vẫn diễn biến phức tạp với quy mô lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối dịch vụ. Do vậy, động lực tăng trưởng từ tiêu dùng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kiểm soát dịch 6 tháng cuối năm và đây sẽ khó là đầu kéo chính cho tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam có thể chủ động được trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Thời gian gần đây, Chính phủ đang có những động thái để tăng cường đẩy mạnh đầu tư công.
Cụ thể, Nhị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành Tháng 6/2021 nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về thể chế, chính sách. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95% - 100% kế hoạch được giao. Trong đó, đến hết Quý 3/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 13/CT- TTg: Về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Trong đó nêu rõ, Vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút tối đa các nguồn lực khác.
Vừa qua, Bộ Giao thông – Vận tải đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12/2021. Đồng thời, các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến hết tháng 12/2021. Đồng thời, tất toán hết các công trình có nguồn vốn kéo dài từ năm 2020. Đây sẽ là nhóm được tập trung giải ngân mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021. Trong đó đến hết 31/12/2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn 2021 được giao.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch giải ngân đầu tư công công bố vào đầu năm là 2,5 triệu tỷ đồng; và được nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5 vừa qua – tăng thêm hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn trước. Riêng năm 2021, vốn đầu tư công kế hoạch gần 600.000 tỷ đồng.
"Từ nửa cuối năm 2021, tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi các "đầu kéo" còn lại là Xuất khẩu và Bán lẻ đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Mặc dù việc triển khai từ đầu năm vẫn đang bị chậm, tuy nhiên Agriseco Research kỳ vọng điều này được tháo gỡ nhờ nhiều động thái thúc đẩy của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc hoàn tất lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng/địa phương giai đoạn tới sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để triển khai các dự án mới", Agriseco kỳ vọng.
Trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư công, Agriseco cho rằng với thị trường chứng khoán, những nhóm ngành hưởng lợi có thể kể tới là: Nhóm thượng nguồn: Bất động sản; Vật liệu xây dựng; Nhóm Trung & hạ nguồn: Xây dựng; Thi công công trình; Logistics & Cảng biển sau khi hạ tầng hoàn thiện. Nhóm hưởng lợi gián tiếp như ngân hàng khi được tăng cường cấp tín dụng để giải ngân trong lĩnh vực này.
Agriseco Research lựa chọn một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, được hưởng lợi từ quá trình triển khai đầu tư công giai đoạn tới. Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh phản ánh trước kỳ vọng, tuy nhiên vẫn là cơ hội phù hợp để giải ngân tại các nhịp điều chỉnh của thị trường, với thời hạn nắm giữ 6 tháng - 1 năm như HPG, VHM, KSB, HT1, ACV, FCN.