13:34 29/06/2008

Đầu tư hạ tầng: Vốn tư nhân có thể “chạy tiếp sức”

Thúy Nhung

Tiềm năng vốn của tư nhân đang được tính đến một cách nghiêm túc, trong bối cảnh đầu tư công vào hạ tầng ngày càng khó khăn

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Việt Nam đang chi khoảng 8 đến 9% GDP cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Lượng vốn này phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ODA.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Việt Nam đang chi khoảng 8 đến 9% GDP cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Lượng vốn này phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ODA.
Tiềm năng vốn của tư nhân đang được tính đến một cách nghiêm túc, trong bối cảnh đầu tư công vào hạ tầng ngày càng khó khăn.

Xu thế mới


Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Việt Nam đang chi khoảng 8 đến 9% GDP cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Lượng vốn này phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ODA.

Cũng theo WB, trong giai đoạn 2010 - 2020, nguồn vốn cơ sở hạ tầng dự kiến ước vào khoảng 70,8 tỷ USD, chiếm 11% GDP.

Ông Tống Quốc Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, chỉ tính riêng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cầu hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2020, trung bình mỗi năm nước ta cần gần 118.000 tỷ đồng, tương đương với 7,4 tỷ USD.

Trong khi đó, nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mỗi năm chỉ vào khoảng 2-3 tỷ USD, tương đương 20-30% nhu cầu. Thêm nữa, hiện gần 40% tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng đều từ nguồn quốc tế tài trợ.

Theo ông Đat, những khó khăn về vốn sẽ càng “cấp bách” hơn khi Việt Nam sắp hết hạn hưởng các nguồn tài trợ ưu đãi. Vì vậy, mô hinh hợp tác nhà nước - tư nhân (Public Private Partnership - PPP) sẽ thực sự mở ra những cơ hội cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Trong khi đó, “nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng có thể lên tới 2,5 tỷ USD mỗi năm nếu khai thác một cách triệt để”, ông Nguyễn Khắc Thân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ước tính.

Thêm vào đó, “khi đã gia nhập WTO, Việt Nam buộc phải có các quy định phù hợp với các điều ước quốc tế và điều này sẽ tạo điều kiện để đẩy mạnh PPP”, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Bitexco cũng cho rằng tiềm năng của khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là rất lớn. Trong hơn 20 năm qua, khối tư nhân đã góp mặt với quy mô ngày càng lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.

Các công trình như các nhà máy thuỷ điện cỡ trung bình và lớn, những tuyến đường quan trọng do tư nhân tham gia đã chứng minh được tính hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tới nay sự tham gia này vẫn còn khá khiêm tốn, khi tư nhân chỉ chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng…

Khắc phục hạn chế của đầu tư công


Hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân đã được áp dụng ở khá nhiều nước phát triển trên thế giới như Anh, Nhật Bản, Mỹ… từ những năm 1990, và đã thu được nhiều thành công.

Bản thân ông Kamran Khan, cố vấn trong lĩnh vực tài chính - cơ sở hạ tầng của WB cũng cho rằng: tại một quốc gia đang phát triển, việc PPP được áp dụng sẽ đảm bảo cho các sản phẩm hạ tầng tốt hơn hơn so với hình thức đầu tư truyền thống của khu vực công, trong các lĩnh vực trọng yếu như điện lực, giao thông vận tải, viễn thông, nước và nhà ở.

Theo ông, nhà nước cần phải có cơ chế pháp luật tốt, chính sách ưu đãi phù hợp. Khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân sẽ làm tốt hơn các nhà đầu tư khu vực công, do hạn chế được tham nhũng và lãng phí.

Còn theo ông Phạm Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), việc hợp tác với tư nhân sẽ giúp nhà nước huy động được nguồn vốn bổ sung đầu tư cho các dự án phục vụ lợi ích công.

PPP cũng góp phần khắc phục những nhược điểm về đầu tư của Chính phủ như thiếu minh bạch trong đấu thầu, quá trình thực hiện dự án thường bị kéo dài, bảo dưỡng công trình không chuyên nghiệp, thiếu kinh phí dẫn đến mau xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp gây lãng phí cho ngân sách...

Trong khi đó, khi tham gia dự án, nhà đầu tư tư nhân sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn từ khâu thiết kế đến xây dựng, vận hành, bảo dưỡng công trình, đảm bảo việc sử dụng hiệu quả nhất. Hết hạn hợp đồng, công trình vẫn phải đảm bảo chất lượng tốt theo các điều khoản đã ký trước khi giao lại cho Chính phủ.

Về kinh nghiệm hợp tác, ông Kamran Khan cho hay, nên khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân thông qua hình thức đầu tư BOT (xây dựng - sở hữu - chuyển giao) hoặc góp vốn trực tiếp. Với các nhà đầu tư tư nhân có năng lực tài chính nhỏ hơn có thể đầu tư vào hạ tầng cơ sở nông thôn. Việc đầu tư này cần quy hoạch cụ thể và mang tính dài hạn của nhà nước cũng như từng địa phương.

Các dự án đầu tư hạ tầng cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi kéo dài tới 20-30 năm. Do đó, theo Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới Michael Klein, các nhà đầu tư cần được quyền bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước và có sự hỗ trợ của nhà nước. Tiếp đến là yếu tố môi trường cạnh tranh minh bạch, khung pháp lý hoàn thiện và kinh tế vĩ mô ổn định.

Và đây cũng chính là một câu hỏi đang đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách...

* Hợp tác nhà nước - tư nhân là việc nhà nước và tư nhân cùng thực hiện một dự án lợi ích công thông qua một thỏa thuận nhằm chia sẻ nhiệm vụ và rủi ro. Theo thỏa thuận này, nhà nước thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ, còn tư nhân được khuyến khích thực hiện các dịch vụ này bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ.