Diễn đàn “Nhịp cầu ASEAN ++” kỳ vọng là một điểm nhấn “Kinh tế xanh”
Diễn đàn “Nhịp cầu ASEAN ++” với chủ đề: “Kết nối phát triển bền vững” sẽ chính thức được khai mạc vào ngày 09/09 tại TP.HCM…
Diễn đàn “Nhịp cầu ASEAN ++” năm 2022 với mục tiêu thúc đẩy giao thương giữa các Hiệp hội trong khu vực ASEAN++; Mở rộng mọi cơ hội kết nối đa chiều cân bằng mọi khía cạnh; Tạo điều kiện xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế khu vực qua hình thức Business Matching. Thông qua giao thương sự kiện mong muốn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn xanh dựa trên sự phát triển bền vững.
Đây là sự kiện được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Sở Công Thương và Hội Nữ Doanh Nhân TP.HCM (HAWEE) với sự tham dự của Lãnh đạo TP.HCM, các cơ quan ban ngành, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự các nước tại Việt Nam, Tham tán thương mại, Hiệp hội Doanh Nghiệp các nước ASEAN ++; Hiệp hội, Hội ngành nghề, Hội nữ Doanh Nhân các Tỉnh thành… Diễn đàn còn có 15 khu vực trưng bày hình ảnh, sản phẩm chủ lực các nước ASEAN++ và 5 quốc gia: Úc , New Zealand , Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo nhận định của Ban tổ chức sự kiện, “ Nhịp cầu ASEAN ++” là sự kiện hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp đến từ các quốc gia trong khu vực. Sự kiện sẽ mang đến những bài học đáng học hỏi trong quá trình phục hồi kinh tế của TP.HCM nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng, tạo ra đòn bẩy mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế hồi sinh.
Mục tiêu phục hồi kinh tế năm 2022, với tốc độ tăng GRDP khoảng 6-6,5% để đạt giá trị tuyệt đối trước đại dịch và tăng tốc phát triển trong 3 năm 2023-2025 để đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8%/ năm trong cả kế hoạch 5 năm 2021-2025 đang là thách thức lớn đối với TP.HCM.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở; cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng… để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn mới là mục tiêu quan trọng nhất. Việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.
“Nhịp cầu ASEAN ++” kỳ vọng là một điểm nhấn “Kinh tế xanh” trong bối cảnh đầy thách thức của nhiệm vụ vừa phải phục hồi kinh tế nhanh vừa phải phát triển bền vững. Do đó, thông điệp của sự kiện lần này không đơn thuần chỉ hướng đến sự kết nối giao thương, mà được nâng tầm để song hành cùng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 - một nền kinh tế hướng đến không carbon trong tương lai sẽ được thể hiện đầy sinh động với các công trình Xanh, sản phẩm Xanh, thời trang Xanh…
Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam hướng đến nền kinh tế không carbon, nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững là mục tiêu phù hợp với quốc tế, là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài.