16:50 31/08/2022

8 tháng, tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM ước đạt 11%

Mặc dù tăng trưởng 8 tháng đầu năm 2022 cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước, tuy nhiên kết quả này chủ yếu đến từ quý 1 và 2/2022...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng tại địa bàn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, ước tăng 0,4% so với cuối tháng trước và tăng 11% so với cuối năm 2021.

So với cùng thời điểm các năm trước, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, so với các tháng trước đây thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hai tháng qua đã thấp hơn nhiều.

Cụ thể, tại kỳ báo cáo trước đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 2 quý đầu năm đã tăng hơn 10%, tương ứng bình quân mỗi tháng tăng hơn 1,66%. Trong khi hai tháng đầu của quý 3 bình quân tăng 0,5%.

Xét về cơ cấu, tín dụng tại khu vực TP.HCM vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số lĩnh vực, ngành kinh tế có tỷ trọng dư nợ cao trong tổng dư nợ tín dụng địa bàn bao gồm: hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình đạt tỷ trọng 32,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tỷ trọng 15,31%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt tỷ trọng 11,95%; xây dựng đạt tỷ trọng 6,9%.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác và hỗ kinh doanh phục hồi và tăng trưởng. Hoạt động này được ngành ngân hàng thành phố tổ chức triển khai thực hiện bằng các chương trình cụ thể gắn với cơ chế chính sách của Chính phủ, UBND thành phố và Ngân hàng Trung ương.

Kết quả hỗ trợ cho doanh nghiệp về miễn giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ và cho vay mới với lãi suất thấp đạt 527.990 tỷ đồng với 1.219.572 khách hàng còn dư nợ; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực đạt 194.718 tỷ đồng, cho 35.282 khách hàng vay vốn, tăng 5,27% so với cuối năm 2021.

Đến nay chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã thực hiện được với số tiền là 336.118 tỷ đồng cho vay 26.790 khách hàng, đạt trên 80% gói tín dụng các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm. Đây là gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, được các ngân hàng đăng ký tham gia cho vay, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp rất thiết thực.

Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn đã tổ chức thực hiện tốt các hoạt động về triển khai cơ chế chính sách để đưa gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ theo Nghị định 31 và Thông tư 03 đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả. Song gói cho vay hỗ trợ này mới chỉ có 17 khách hàng tiếp cận được, với quy mô 276 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất tương ứng đạt 480 triệu đồng.