06:00 09/09/2022

Hàng trăm cuộc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ đang diễn ra tại TP.HCM

Mộc Minh

Hàng chục doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm nhà cung cấp cho danh mục hơn 500 chi tiết linh kiện nhằm đẩy mạnh nội địa hoá sản xuất đang diễn ra tại TP.HCM…

Các doanh nghiệp đang tìm nhà cung cấp cho danh mục hơn 500 chi tiết linh kiện tại TP.HCM.
Các doanh nghiệp đang tìm nhà cung cấp cho danh mục hơn 500 chi tiết linh kiện tại TP.HCM.

Những năm gần đây, TP.HCM đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…

Theo đó, từ năm 2018, thành phố đã giao Sở Công thương chủ trì tổ chức “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ ­- Sourcing Fair Supporting Industries”. Năm 2022 là năm thứ 5 hội nghị được tổ chức vào ngày 8-9/9/2022, với sự tham gia của 20 doanh nghiệp sản xuất lớn trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo và ngành y tế kỹ thuật cao với tư cách là nhà mua hàng.

Trong đó, có thể kể đến Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTI), Công Ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH BOSCH Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam, Công ty Platinum…

Các doanh nghiệp này đang có nhu cầu tìm nhà cung cấp cho danh mục hơn 500 chi tiết linh kiện nhằm đẩy mạnh nội địa hoá sản xuất để tối ưu hoá hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của những biến động về chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, một số ngành công nghiệp đang có thế mạnh tại thành phố, như: dệt may, da giày, lắp ráp ôtô, điện tử... nhưng ngành sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện để hỗ trợ sản xuất lại rất yếu. Chính vì thế, các ngành sản xuất nói trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, khiến sản xuất bị động, chi phí cao.

Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM còn thấp, chỉ đạt khoảng 65%. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, thời gian qua Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (Sở Công Thương) cũng đã triển khai nhiều hoạt động để kết nối các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI…

Qua 4 năm tổ chức hội nghị đã thu hút 96 doanh nghiệp FDI và sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối, kết nối 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố và các tỉnh có sản phẩm cung ứng phù hợp và có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp 1 - 1.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi với doanh nghiệp tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022 - Ảnh: VE.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi với doanh nghiệp tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022 - Ảnh: VE.

Ông Hoàng Vũ cho biết thêm nhu cầu tìm nhà cung cấp của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối và tìm đối tác mua hàng của doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tại TP.HCM là rất lớn. Đơn cử, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTI) mong muốn tìm nhà cung cấp cho hàng trăm chi tiết linh kiện; công ty Điện Quang vừa muốn tìm nhà mua hàng, vừa tìm cơ hội hợp tác thu mua các loại linh kiện phục vụ cho lĩnh vực sản xuất mới…

Ban tổ chức đã chọn ra 130 doanh nghiệp từ hơn 200 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký kết nối để giới thiệu cho các nhà mua hàng. Dự kiến trong 2 ngày 8 và 9/9/2022, các nhà mua hàng này sẽ thực hiện khoảng 300 cuộc kết nối với 130 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ để tìm hiểu năng lực, điều kiện hợp tác… 

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, cho biết Điện Quang đang sản xuất bo mạch điện tử để cung cấp cho Samsung. Lần đầu tham gia chương trình, công ty bất ngờ vì có đến 53 nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đăng ký kết nối.

Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Ước tính số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo.

Theo ông Linh, để ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khổng lồ, mà rất cần một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng…

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thông qua chương trình này, thành phố mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ học hỏi được từ các doanh nghiệp FDI về trình độ quản lý, sản xuất, tạo động lực để đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất… Từ đó, đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển để "giữ chân" nhà đầu tư ngoại đầu tư vào thành phố.