Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh như nước mắm Sá Sùng, muối tôm Sá Sùng của Newstar, sản phẩm trà hoa vàng của Quy Hoa… nhờ hiện diện trên các sàn thương mại điện tử nên đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, đặc biệt bước đầu có khách hàng nước quốc tế quan tâm, tìm hiểu...
Phân phối, tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong đẩy mạnh tiêu thụ nông đặc sản của địa phương hay các sản phẩm OCOP của địa phương.
Đó là nhận định của ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, tại “Hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Quảng Ninh” trong khuôn khổ do Hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức ngày 29/4.
Để thúc đẩy thương mại điện tử tại Quảng Ninh phát triển, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử với nhiều giải pháp.
Đặc biệt, nhằm thích ứng tốt với xu hướng Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh thành sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh.
Bên cạnh việc hỗ trợ các thương nhân, tổ chức, cá nhân giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên sàn, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh cũng là kênh cung cấp sản phẩm OCOP chính hãng cho khách hàng.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, theo bà Hiền Quảng Ninh rất cần sự kết nối, hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử lớn trên cả nước.
Đại diện sàn thương mại điện tử Lazada, cho biết sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng các cơ quan, ban ngành, địa phương và các Hiệp hội nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số và kinh doanh online thành công.
Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua các chương trình tôn vinh hàng Việt như “Thương hiệu Việt của năm”, “Yêu Việt Nam, dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt tự hào dùng hàng Việt”… với các mã khuyến mại giảm giá hấp dẫn và các chương trình khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Lazada dành nhiều phần thưởng hấp dẫn cho nhà bán hàng mới như: các khóa huấn luyện kỹ năng kinh doanh trực tuyến, miễn phí hỗ trợ chuyên biệt 90 ngày đầu, miễn phí đăng tải sản phẩm, miễn phí trang trí gian hàng và miễn phí tham gia chương trình Free Ship Max... hay cơ hội giành giải thưởng 100 triệu tiền mặt, máy tính Macbook Air...
Ông Đỗ Quang Hải, đại diện sàn thương mại điện tử Voso cũng chia sẻ, Voso luôn tiên phong trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, kết nối giao thương giữa thành thị và nông thôn, nâng cao giá trị đặc sản.
Trong đó, chú trọng phối hợp cùng các hộ sản xuất nông nghiệp, các tỉnh thành đưa toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên sàn. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu người dùng, tối ưu thời gian giao hàng nhanh chóng, Voso đã ứng dụng giải pháp công nghệ, logistics để mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tốt nhất.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử, là sự đồng hành của các đối tác như VPBank, Visa hay Icheck… Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần iCheck Nguyễn Văn Chính, với hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn quốc gia, doanh nghiệp có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống giám sát chặt chẽ.
Nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng đạt điều kiện đầu vào các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử và nâng cao giá trị nhờ chứng minh được chất lượng khác biệt.
Ở góc độ ngân hàng, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối SMEsNgân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), cho biết ngân hàng đã tung ra các gói giải pháp tài chính đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp thương mại điện tử toàn phần.
Cổng thanh toán trực tuyến Simplify, EcomPay giúp doanh nghiệp số hóa nền tảng website hòa mình vào dòng chảy thương mại điện tử, cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ ngay tại thời điểm mua hàng…