Nhiều thách thức “ngáng đường” các sản phẩm OCOP
Hiện quy trình và công nghệ chế biến một số sản phẩm OCOP còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường...
Tính đến đầu năm 2022, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã công nhận 5.401 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 1.759 sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn.
Trong năm 2022, cả nước phấn đấu có khoảng 6.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.100 sản phẩm so với năm 2021).
Mặc dù có những kết quả tương đối khả quan, nhưng các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tốt hơn nữa thì cần khắc phục nhiều bất cập còn tồn tại.
Hiện, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu.
Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.
Tại xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai, mặc dù đã xác định một số sản phẩm như cốm, vịt bầu để xây dựng sản phẩm OCOP tuy nhiên, trong triển khai thực hiện gặp nhiều trở ngại.
Đơn cử như sản phẩm cốm, hiện tại có khoảng 30 hộ chế biến cốm, diện tích đất trồng lúa nếp chừng 5 - 6 ha, mỗi năm người dân chỉ sản xuất vào vụ hè thu với sản lượng nhỏ, không có tem nhãn sản phẩm, cũng không áp dụng công nghệ đóng gói bảo quản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại Nghệ An, đại diện nhiều hợp tác xã cho rằng, nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất sản phẩm OCOP của các hợp tác xã là rất lớn. Nhưng hiện nay mặc dù có nghị định khuyến khích các doanh nghiệp lớn có lợi thế đầu tư liên kết vào sản xuất, kinh doanh vào nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp không mặn mà trong khi đó các hợp tác xã rất khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và thị trường tiêu thụ.
Anh Nguyễn Cao Cường, chủ cơ sở trứng gà Nghĩa Hoàn (Nghệ An) cho biết, gia đình anh đã đầu tư khá nhiều tiền của, thời gian, công sức để sản phẩm được chứng nhận OCOP, tuy nhiên sau khi đưa sản phẩm ra thị trường thì giá cả bị cào bằng như trứng gà thông thường. Sản phẩm của gia đình anh cũng khó tìm được kênh tiêu thụ lớn.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, hiện hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai.