Đẩy nhanh tốc độ kiểm tra chuyên ngành tại cảng Cát Lái, sớm giải phóng hàng hóa
Tổng cục Hải quan cho phép các cảng biển, cảng cạn khác tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ gánh nặng ùn tắc hàng hoá với cảng Cát Lái…
Tổng cục Hải quan đã đề nghị Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có ý kiến gửi các đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại cảng biển đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và trả kết quả kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thời gian thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu, sớm giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cho phép chuyển hàng hoá nhập khẩu chưa thông quan đến các cảng khác trên địa bàn TP.HCM để chia sẻ công việc, tiến hành thông quan nhanh… Việc lưu giữ, giám sát hàng hóa tồn đọng này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.
ĐƯỢC CHUYỂN HÀNG TỪ CÁT LÁI SANG CÁC CẢNG KHÁC
Tổng cục Hải quan vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý tình trạng ùn tắc tại cảnh Cát Lái.
Theo Tổng cục Hải quan, để nhanh chóng giải phóng hàng hoá thì phương án quan trọng nhất là các đơn vị kiểm tra chuyên ngành phải đẩy nhanh tốc độ kiểm tra, trả kết quả...
Thực tế, kiểm tra chuyên ngành đang chiếm phần lớn thời gian thông quan hàng hoá tại cảng biển. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ phần nào giải quyết được ách tắc hàng hoá tại Cát Lái.
Công văn hoả tốc của Tổng cục Hải quan còn hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cho hàng hoá nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái được vận chuyển đến các cảnh biển khác trên địa bàn TP.HCM và các cảng cạn…
Tuy nhiên, để tránh lợi dụng chính sách này hàng hoá nhập khẩu phải không thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định tại Quyết định số 23/2019/QĐ-Tg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể đó là thuốc lá điếu, chế phẩm khác từ cây thuốc lá, rượu, bia sản xuất từ malt, xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi, xe mô tô hai bánh, ba bánh nguyên chiếc, động cơ đốt trong kiểu piston, dung tích xi lanh trên 125cc, điều hòa không khí công suất từ 90.000 BTU trở xuống, bài lá, giấy vàng mã…
Phân luồng chuyển hàng từ cảng Cát Lái:
Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch.
Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần.
Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Hàng hóa trong danh mục có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hàng hóa trong các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định…
Khi vận chuyển phải đảm bảo nguyên container, không chấp nhận cho vận chuyển hàng rời. Hàng hóa phải chưa được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.
Đặc biệt, đó phải là những lô hàng không có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm đang trong diện các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra theo thông báo của cơ quan Hải quan và toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng thuộc hàng về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa.
GIÁM SÁT CHẶT CÁC ĐIỂM LƯU GIỮ HÀNG HOÁ CHƯA THÔNG QUAN
Để tránh tình trạng gian lận, thẩm lậu trong thời gian vận chuyển ra khỏi cảng Cát Lái và thời gian lưu tại điểm lưu giữ, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị Hải quan quản lý điểm lưu giữ phải tổng hợp và thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 biết về tình hình hàng hóa đưa vào, đưa ra, tồn đọng tại các địa điểm lưu giữ theo định kỳ hàng tuần.
Các đơn vị Hải quan phải tiến hành quản lý, giám sát chặt chẽ đối với từng lô hàng từ khi bắt đầu vận chuyển đi từ cảng Cát Lái đến khi doanh nghiệp nhập khẩu hoàn thành thủ tục hải quan lấy hàng ra khỏi địa điểm lưu giữ.
Để không làm phát sinh chi phí thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chịu mọi chi phí vận tải, lưu giữ đối với các lô hàng tồn đọng từ khi vận chuyển từ cảng Cát Lái đến cảng Tân Cảng Hiệp Phước đến khi hoàn thành việc xử lý hàng hóa tồn đọng. Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp hàng hóa thất thoát.
Công văn của Tổng cục Hải quan còn nhấn mạnh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các doanh nghiệp quản lý địa điểm có hàng hóa vận chuyển đến phải chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, theo dõi, giám sát và báo cáo về tình hình hàng hóa đưa vào, đưa ra, tồn đọng tại các địa điểm lưu giữ cho chi cục hải quan quản lý địa điểm lưu giữ.
Ngoài ra còn phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp hàng hóa bị thẩm lậu vào nội địa, không làm thủ tục hải quan.
Đối với hàng hoá đã đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá những vẫn tồn động sẽ cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Liên quan đến hàng hoá nhập khẩu còn trên tàu, chưa dỡ xuống cảng Cát Lái thì yêu cầu Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo cho các doanh nghiệp có hàng và hãng tàu chuyển hướng sang cảng Cái Mép để làm thủ tục thông quan.