16:24 06/12/2014

“Để ba mức tín nhiệm là mở đường cho anh tiến bộ”

Nguyên Hà

Cử tri đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội theo hai mức, Tổng bí thư “xin nói lại để thống nhất cao”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) gặp gỡ cử tri tại Hà Nội, sáng 6/12 - Ảnh: NQ.<br>
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) gặp gỡ cử tri tại Hà Nội, sáng 6/12 - Ảnh: NQ.<br>
Cử tri đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội theo hai mức, Tổng bí thư “xin nói lại để thống nhất cao”.

Cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
và một số vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội sáng 6/12 có sự tham dự của 300 cử tri Thủ đô.

Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”

Phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Minh Trung ở phường Đội Cấn quận Ba Đình cho biết, cử tri rất hài lòng với lá phiếu có trách nhiệm của các vị đại biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 vừa qua.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã có tác dụng tích cực, vừa động viên vừa nhắc nhở các vị đã làm tốt đồng thời nhắc các vị còn thấp cần cố gắng hơn nữa, ông Trung nói.

Tuy nhiên, ông Trung phản ánh, cử tri vẫn chữa đồng tình lắm với việc lấy phiếu theo 3 phiếu ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, gây khó khăn cho việc đánh giá của đại biểu.

Đã tín nhiệm lại còn phân cao thấp, hai mức là hay nhất, thể hiện trách nhiệm của đại biểu khi bỏ phiếu, ông Trung góp ý.

Cũng đánh giá kết quả lấy phiếu là thực chất, cử tri Trần Viết Hoàn ở Liễu Giai (Ba Đình) còn chút phân vân: liệu các đại biểu có xác minh được sự chính xác trong kê khai tài sản của các vị được lấy phiếu hay không?

"Có đại biểu nói làm việc như Bộ trưởng Đinh La Thăng là bao biện, nhưng trong tình hình hiện nay mong có nhiều bộ trưởng đến tận nơi để giải quyết công việc, còn nếu chỉ ở nhà thì lại sẽ có quy định kiểu như không bán bia cho phụ nữ có thai hay thịt lợn chỉ được bán sau 8h sau khi giết mổ", ông Nông Quang Lộc ở Hàng Mã (Hoàn Kiếm) nhìn nhận.

Kết quả lấy phiếu toàn dân biết mà toàn dân biết thì cả thế giới biết, Tổng bí thư trao đổi với cử tri.

“Có ý kiến nói là ba mức tín nhiệm vẫn là chưa chuẩn, vẫn muốn hai thôi, cái này tôi nhiều lần giải thích lắm rồi, Quốc hội cũng thông qua rồi, nhưng xin nói lại để thống nhất cao”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Theo ông, lấy phiếu là để thăm dò tín nhiệm, vào thời điểm này chức danh đó tín nhiệm cao hay thấp để kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh răn đe, kịp thời khuyến khích động viên anh em làm tốt. “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, không cốt bỏ là bác, đấy là nhân văn của chúng ta”.

Nhấn mạnh công tác cán bộ là của Đảng, Tổng bí thư giải thích, lấy phiếu là một kênh để tham khảo xem xét đánh giá cán bộ, xem được tín nhiệm như thế thì sắp tới có bổ nhiệm nữa hay không. Còn khi lấy phiếu mà mức tín nhiệm quá thấp thì mang ra bỏ phiếu tín nhiệm, và lúc đó chỉ có hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm.

“Hiện nay sở dĩ để ba mức là mở đường cho anh tiến bộ, nếu đã tín nhiệm thấp tôi đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm theo Hiến pháp thì có nghĩa là một là anh làm, hai là bãi miễn, mà thường đã bỏ phiếu tín nhiệm có nghĩa là bãi miễn, đấy là nước cùng. Tôi răn đe anh rồi mà không tiến bộ, thì tôi phải bỏ phiếu để truất quyền của anh đi”, Tổng bí thư nói cụ thể hơn.

Ông cũng cho biết sắp tới sẽ khuyến khích từ chức, nâng cao tinh thần tự giác khi được tín nhiệm thấp, cho nên trong nghị quyết sửa đổi lần này có cả lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu là ba mức, còn bỏ phiếu là hai mức, Tổng bí thư nói.

“82% đại biểu Quốc hội thông qua rồi thì ta phải theo quyết định này, giờ ta cứ cứ nói lại vẫn cứ nên thế nọ thế kia, thì có nên không. Thống nhất cao, tập trung làm cho tốt, cái hay của chúng ta là cái lấy phiếu tín nhiệm, mà cũng không ai trên thế giới làm thế, người ta chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm”, Tổng bí thư tạm dừng phần trao đổi về lấy phiếu.

Bây giờ phiếu tín nhiệm Thống đốc khác rồi


Trước khi kết thúc phát biểu, Tổng bí thư đề nghị cử tri khi nhìn nhận đánh giá vấn đề nên lưu tâm đến phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, nhìn một cách toàn điện cụ thể biện chứng theo phương pháp lịch sử phát triển, đừng chỉ thấy một mặt, một vế một việc rồi quy kết lên thành toàn thể.

Và, ông dẫn một ví dụ có liên quan đến đánh giá tín nhiệm ở Quốc hội.

“Hôm nay có thể thế này, ngày mai sẽ thế khác. Lần trước Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, đến 42%, vì để nợ công, nợ xấu lãi suất ngân hàng như thế. Giờ sửa rồi, lãi suất ngân hàng giảm xuống thế rồi, dự trữ ngoại hối gấp 10 lần cách đây mấy năm, nợ xấu công khai báo cáo cả rồi, rõ ràng làm có tốt, thì bây giờ lấy phiếu tín nhiệm là khác rồi”, Tổng bí thư phân tích.

Vẫn liên quan đến hoạt động của Quốc hội, một số cử tri phàn nàn là có những phiên họp quá nhiều ghế trống.

Thừa nhận đây là thiếu sót, song Tổng bí thư cho rằng cần phải chia sẻ bởi hơn hai phần ba đại biểu là kiêm nhiệm nên cũng cần cân đối hài hòa, vì còn phải xử lý nhiều công việc khác.

Mặt khác, ông giải thích, quá trình chuẩn bị kỳ họp thì nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận. Nếu là ủy viên Trung ương thì Trung ương cho chủ trương rồi mới ra Quốc hội, Trung ương bàn nhiều vòng lắm rồi mới ra Quốc hội.

“Quốc hội là thể chế hóa các nghị quyết và quyết định của Trung ương và Bộ Chính trị, tôi phải nói thật như thế”, Tổng bí thư trao đổi với cử tri.

Trung ương, Bộ Chính trị bàn rồi, bàn nhiều lần rồi trước khi đưa ra Quốc hội, nên không họp một số buổi tức là chả biết gì cứ ra bấm nút bừa đi thì chắc là không phải, Tổng bí thư giải thích.