12:47 18/09/2022

Để chính sách đất đai đảm bảo hài hoà lợi ích các bên

Phan Dương

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng quyết định cuối cùng sẽ dựa trên công cụ quan trọng nhất là lấy ý kiến của người dân. Các quy định phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, công khai và đa số để có Luật đất đai tốt nhất, hài hoà lợi ích của các bên liên quan...

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên thảo luận “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

CẦN GIẢM VIỆC BAN HÀNH QUÁ NHIỀU VĂN BẢN HƯỚNG DẪN LUẬT

Đề cập đến Luật Đất đai,Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định nhóm chính sách về đất đai có tác động to lớn tới Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Quốc hội giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng 2 Luật này (sửa đổi). Liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển các dự án nhà ở, dự án đầu tư thời gian tới, trong dự thảo Luật, Bộ Xây dựng có đề xuất theo hướng đảm bảo việc dành quỹ đất phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cần thực hiện trên diện rộng, trong khi đó, nếu chỉ dành 20% quỹ đất đô thị loại III thì sẽ hạn chế nguồn đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực không phải đô thị loạii III, đặc biệt là những khu vực khu công nghiệp, có nhiều lực lượng lao động. Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất giao Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng phải dành lượng đất phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.

Bàn về việc thực thi pháp luật, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM, nhìn nhận hạn chế về thể chế cần khắc phục là sự thay đổi, không đoán định trong việc thực thi, tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Từ đó tạo ra rất nhiều rủi ro, kìm hãm hoạt động kinh doanh. Trong thời gian tới, chúng ta cần giảm bớt việc ban hành các thông tư và tiến tới bãi bỏ nó; đồng thời các nội dung giao Chính phủ hướng dẫn cũng cần quy định rõ nguyên tắc và phạm vi hướng dẫn, không thực hiện tùy nghi; nâng cao chất lượng luật khung, luật ống…

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế VCCI, nêu thực trạng việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa rất khó khăn. Các tỉnh, thành phố hiện không có chương trình, chính sách riêng cho đối tượng này. Do đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không có cơ hội tiếp cận đất tại các khu công nghiệp lớn, cũng không cạnh tranh được với đối tượng thân hữu. Tình trạng phân bổ đất đai chưa bình đẳng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, trong đó hỗ trợ về tiếp cận đất đai hầu như chưa được triển khai trên thực tế. Vì thế, họ ít cơ hội mở rộng kinh doanh, cơ hội tiếp cận vốn cũng khó. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất hạn chế. Bởi vậy, ông Tuấn kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai; giảm thủ tục hành chính phức tạp cải cách, tránh chồng chéo, xung đột giữa các luật, và giảm tình trạng ban hành quá nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật như hiện nay.

XUNG ĐỘT, MÂU THUẪN GIỮA CÁC LUẬT VẪN CÒN

Trong khi đó, đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) bày tỏ nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn mong muốn sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, nhiệm vụ trọng điểm hiện nay là phải thực hiện Nghị quyết 18, trong đó đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến 2023 sửa đổi Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. “Mặc dù thời gian qua hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tốt hơn nhưng tính xung đột, mâu thuẫn vẫn còn”, ông Châu nói.

Để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, lãnh đạo Horea kiến nghị bổ sung quy định trong Luật đất đai (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại; Không quy định sở hữu nhà ở chung cư có thời hạn; Không quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn…. Đồng thời cần quy định tái định cư phải “tốt hơn chỗ ở cũ”; Việc quản lý, định giá đất cần chuyển về ngành tài chính chứ giao Bộ Tài nguyên Môi trường là không phù hợp…

Ở góc độ là chuyên gia quốc tế, ông Andrew Jeffies, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, đánh giá rằng rất khó xác định giá trị của đất trong bối cảnh phát triển đô thị nhanh chóng, năng động ở Việt Nam hiện nay. Chính phủ cần tập trung thực hiện giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác tái định cư. Đồng thời giảm thất thoát nguồn thu liên quan đến đất đai. Muốn vậy, hệ thống thông tin cần được số hoá, để các bên có thể tiếp cận thông tin đất đai một cách minh bạch, từ đó có quyết định hiệu quả hơn…