10:54 20/11/2007

Để đại học đừng “học đại”

Chúng ta bắt sinh viên phải học "những gì mà ta có" chứ chưa phải "những cái gì mà họ cần"

Một trong những vấn đề mấu chốt để cải cách giáo dục đại học hiện nay là phải khắc phục chương trình đào tạo quá nặng nề.
Một trong những vấn đề mấu chốt để cải cách giáo dục đại học hiện nay là phải khắc phục chương trình đào tạo quá nặng nề.
Trước đây không lâu, giáo dục đại học thường dành cho các thành phần trí thức của xã hội nhằm chuẩn bị để trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý xã hội.

Ngày nay điều này không còn đúng nữa, các nhà khoa học cho rằng giáo dục đại học là nền tảng của quá trình chuyển đổi kinh tế thế giới từ công nghiệp chuyển sang nền kinh tế tri thức. Giáo dục đại học được coi là công cụ phát triển trí tuệ cá nhân phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Trước nhu cầu mới này giáo dục đại học của nước ta đang đứng trước nhiệm vụ cải cách toàn diện từ đội ngũ giảng dạy cho đến phương thức đào tạo.

Cải cách chương trình

Một trong những vấn đề mấu chốt để cải cách giáo dục đại học hiện nay là phải khắc phục chương trình đào tạo quá nặng nề. Thể hiện ở số giờ lên lớp quá nhiều (thường là trên 30 tiết/tuần, chưa kể các giờ thí nghiệm, thực hành) phần lớn các môn học chủ yếu là nhồi nhét. Chúng ta bắt sinh viên phải học "những gì mà ta có" chứ chưa phải "những cái gì mà họ cần" phần lớn chỉ là lý thuyết chưa gắn với những vấn đề xã hội, nhà máy, doanh nghiệp đòi hỏi.

Nước Mỹ được xem là nơi có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất trên thế giới từ lâu đã áp dụng chế độ học theo tín chỉ (nước ta đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ áp dụng 100%). Trong đó sinh viên chủ động sắp xếp quá trình học của mình. Trong đó có các môn học bắt buộc (60 - 70%) và môn tự chọn (30 - 40%) với khung thời lượng 120 - 140 tín chỉ cho 8 học kỳ. Học tín chỉ có hai cái lợi là thời gian học tập ở nhà tăng gấp đôi so với học ở trường. Và sinh viên do tự do lựa chọn nên hứng thú với môn học tăng lên.

Nâng cao trình độ giảng viên

Bộ Giáo dục đào tạo thống kê hiện cả nước có 52.129 giảng viên đại học nhưng giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 5.192 người, đạt 9,95%, có nghĩa là cứ 100 người giảng dạy đại học chỉ có 10 người có trình đô tiến sĩ. Trong khi hệ thống đại học tư thục, dân lập triển khai nhiều, chất lượng càng loãng. Đang có hiện tượng "cơm chấm cơm" ở các trường đại học, cao đẳng. Trong khi đó tình trạng giáo sư - tiến sĩ đã đến tuổi nghỉ hưu ngày càng nhiều mà không được thay thế.

GS.TS Trần Đình Sử nhấn mạnh "Ai cũng biết rằng nhân tố con người quyết định tất cả nhưng nhân tố con người trong trường đại học bị thả nổi từ năm 1980 đến nay". Các nhà khoa học đào tạo tại Liên Xô và Đông Âu trước đây, phần lớn không có điều kiện tiếp xúc với môi trường đào tạo Âu Mỹ nên cả về ngoại ngữ lẫn kiến thức không theo kịp tiến bộ khoa học.

Trung Quốc đã cải thiện tình trạng này bằng cách đưa cán bộ khoa học đào tạo kiểu cũ sang thực tập ở các nước Âu Mỹ còn ta thì chưa có điều kiện để làm cho nên chưa thể nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy.

Đây là vấn đề được sự quan tâm của Bộ Giáo dục đào tạo. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết từ năm 2008 đến 2020, bộ có chủ trương đào tạo 20.000 tiến sĩ trong đó có 1/2 được đào tạo tại nước ngoài. Việt Nam đã có thoả thuận về nguyên tắc với các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc và Singapore về chương trình đào tạo tiến sĩ. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá cho cải cách giáo dục đại học.

Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

Có thể nói, từ năm 2006 đã có một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài các điều kiện về vốn, về đất đai còn có yêu cầu cao về nguồn nhân lực.

Cụ thể là ba nhà đầu tư lớn là Intel (Mỹ), Grenasa (Nhật) và Hồng Hải (Đài Loan) đã bỏ ra tới 6 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam. Riêng cơ sở Intel (Mỹ) cần tới 2.000 kỹ sư tin học phần mềm nhưng liệu đại học Việt Nam có đáp ứng (?). Có khá nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười vì số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không thể làm việc ngay mà phải đào tạo lại. Có thể nói trình độ đại học hiện nay khá lạc hậu so với yêu cầu mới.

Chỉ nói về khả năng ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, sinh viên ra trường đã không đáp ứng được vì thiếu khả năng giao tiếp. Ngay cả năng lực tiếng Anh của giảng viên đại học cũng hạn chế dẫn đến khó khăn về tự học và học tập nước ngoài vì thế Bộ Giáo dục đào tạo đã đề ra chương trình nâng cao tiếng Anh 13 năm kể từ năm 2008 đến năm 2020, mục tiêu là tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có thể làm việc trong môi trường tiếng Anh.

Nguyên lý giáo dục "học đi đôi với hành" trong trường đại học là dạy và học phải gắn liền với nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên thực trạng nghiên cứu khoa học ở đại học nước ta hiện nay rất hạn chế. Trong suốt 35 năm qua, theo thống kê số lượng bài báo liên quan tới y khoa, sinh học hoá và nông học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế của các nhà khoa học trong nước chỉ khoảng 300 bài, quá thấp so với Malaysia (2.088), Thái Lan (5.210 bài), Indonesia (6.932) hay Đài Loan (21.600). Vì thế đại học nước ta chưa trở thành đòn bẩy khoa học để bật dậy nền kinh tế.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tháng 11 năm nay sẽ tổ chức lần đầu hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học. Chắc chắn tại đây nhiều vấn đề về chương trình dạy học, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và yêu cầu đào tạo theo đặt hàng của xã hội sẽ được đưa ra mổ xẻ. Hy vọng sẽ có phương hướng thiết thực hơn cho cải cách giáo dục đại học.

Cuối cùng, không thể có chất lượng giáo dục đại học cao với một ngân sách nghèo nàn. Có thể nói ngân sách quốc gia dành cho giáo dục quá thấp (chỉ 11%) so với các nước như Thái Lan (20%), Malaysia (19%), Hàn Quốc (22%) vì thế có nhiều đề nghị nâng ngân sách cho giáo dục lên tối thiểu 15%.

* Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

Theo GS.TS Trần Đình Sử, muốn có trình độ cao, theo kịp trình độ khoa học tiên tiến, người giảng viên phải không ngừng học tập. Muốn thế, họ phải có thu nhập hoàn toàn yên tâm để tập trung vào chuyên môn. Tôi là giáo sư, tiến sĩ, đã giảng dạy đại học 46 năm, mà lương tháng chỉ hơn 5 triệu đồng, trong đó đã bao gồm 50% phụ cấp đứng lớp, số phần trăm này sẽ mất khi về hưu. Như thế thì giảng viên trẻ sẽ sống và phát triển năng lực chuyên môn thế nào với đồng lương ít ỏi của họ?

Thù lao đào tạo một thạc sĩ là 1,5 triệu đồng, thù lao đào tạo tiến sĩ trong ba năm, mỗi năm 2 triệu đồng, đọc phản biện một luận án tiến sĩ 500 nghìn đồng, viết một bài báo khoa học được thù lao từ 200 đến 300 nghìn đồng.

Chế độ đó không khuyến khích nâng cao trình độ và chất lượng đào tạo, không tính đến nhu cầu trang bị và sử dụng các phương tiện kỹ thuật tối thiểu như máy vi tính, đi tham quan, trao đổi khoa học với nước ngoài. Trong cơ chế thị trường hiện nay, trong khi ngành nào cũng dựa vào mặt bằng giá trên thế giới để tăng giá, chỉ riêng “giá chất xám” là không theo mặt bằng thế giới nào cả!