08:36 27/10/2016

Đề nghị bổ sung tội cố ý làm trái trong bổ nhiệm cán bộ

Nguyễn Lê

Bộ luật Hình sự chưa có điều nào quy định về loại tội phạm lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) góp ý sửa Bộ luật Hình sự.
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) góp ý sửa Bộ luật Hình sự.
Để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đặt ra, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm tội danh cố ý làm trái trong bổ nhiệm cán bộ bằng điều luật cụ thể trong Bộ luật hình sự để nhằm răn đe và trừng trị đối với nhóm hành vi nguy hiểm này

Đó là ý kiến của đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) khi tranh luận với quan điểm không nên đưa tội danh mới vào Bộ luật Hình sự 2015 đang được sửa đổi, chiều 26/10 tại nghị trường. 

Trước khi đưa ra đề nghị trên, đại biểu Giang phân tích, vừa qua dư luận rất bức xúc trước hiện tượng lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm... Đã có những trường hợp xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ví dụ vụ Trịnh Xuân Thanh. 

Mặc dù trong Bộ luật Hình sự đã quy định một số tội liên quan đến lạm dụng chức vụ trong quản lý nhưng chưa có điều nào quy định về loại tội phạm lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, đại biểu phân tích.

Nhấn mạnh Bộ luật Hình sự là dự án luật là rất quan trọng, đại biểu Giang góp ý, trong khi thời gian thảo luận tại hội trường có một ngày nhưng vào đầu giờ sáng hôm nay đại biểu mới nhận được báo cáo tổng hợp các ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội ở các tổ về dự án luật này. 

Đã vậy, việc tập hợp lại không chính xác. Như VnEconomy đã đưa tin, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Giang đã đề nghị tăng hình phạt tù của tội phạm về an toàn vệ sin thực phẩm lên chung thân thậm chí là phải tử hình, vì trong luật mức cao nhất là 20 năm tù.

Nhưng, "trong báo cáo tổng hợp lại ghi là hạ mức định lượng trong tội này là trái ngược lại với ý kiến của tôi", đại biểu nhận xét.

Ngoài ra, đại biểu này còn chỉ ra rằng, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ có 11 vấn đề lớn song chưa phân loại được các nhóm vấn đề đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cao hay các nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau và nhóm những vấn đề mới. 

Tôi đề nghị ở hội trường này chỉ nên tập trung thảo luận, tranh luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề mới, đại biểu nói.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, từ vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, đúng là cần phải gửi tài liệu sớm hơn, trong đó có tập hợp phân loại đầy đủ tất cả các loại ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Ví dụ, vấn đề a là đa số đã nhất trí, vấn đề b đa số không nhất trí để các đại biểu Quốc hội có cơ sở để phát biểu tại hội trường.

Trước đó, vào đầu phiên thảo luận buổi chiều, khi buổi sáng đã có 28  vị đăng đàn, danh sách đăng ký phát biểu vẫn còn trên 50 vị, Phó chủ tịch nói đúng là làm mới đã khó rồi nhưng sửa đổi, bổ sung có khi còn khó hơn.