Đề nghị không bán biệt thự và nhà mặt tiền đẹp
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng không cho phép các địa phương bán biệt thự, nhà mặt tiền có vị trí đặc biệt, có giá trị cao
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng không cho phép các địa phương bán biệt thự, nhà mặt tiền có vị trí đặc biệt, có giá trị cao.
Mặt khác, Bộ cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế quản lý đặc biệt đối với các biệt thự, nhà mặt tiền.
Cũng theo tờ trình, các địa phương được đề nghị kéo dài thời điểm nhận hồ sơ, bán nhà ở theo Nghị định 61 sang năm 2007. Như vậy, hàng chục ngàn hộ dân vẫn có cơ hội nộp hồ sơ để mua nhà trong năm nay.
Thông tin trên do ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho thành phố biết ngày hôm qua, 3/1.
Giá bán nhà năm 2007 không thay đổi
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, hiện các địa phương vẫn chưa hoàn thành việc bán nhà theo Nghị định 61/CP, trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người dân vẫn rất lớn.
Ước tính, đến thời điểm 31/12/2006 (thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61/CP), cả nước vẫn còn khoảng hơn 130.000 căn hộ (trên 40%) thuộc quỹ nhà 61 chưa làm được thủ tục bán theo quy định, chủ yếu ở Hà Nội, Tp.HCM và Hải Phòng.
Còn theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Quý Đôn, việc nhận hồ sơ bán nhà đã được thực hiện đến hết ngày Chủ nhật 31/12 vừa qua. “Trong năm 2007 này, thành phố sẽ giải quyết dứt điểm việc bán nhà đối với các hồ sơ đã nộp. Còn hiện nay, thành phố chính thức dừng việc nhận hồ sơ mua nhà của người dân”, ông Đôn nói.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội, trong 10 năm thực hiện bán nhà theo Nghị định 61 (1996-2006), Hà Nội đã bán được 89.000/160.000 căn hộ thuộc quỹ nhà 61. Như vậy, số căn hộ còn lại là 71.000 căn (trong số này có 11.850 căn thuộc diện không được bán).
Còn theo ông Lê Hồng Quân, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, tính đến nay công ty đã lập xong hồ sơ và bán được 40.370 căn hộ (đã bán và cấp “sổ đỏ” cho 17.500 căn). Như vậy, còn khoảng 13.000 hồ sơ đủ điều kiện đã nhận sẽ được chuyển sang năm 2007 để hoàn tất việc bán nhà cho dân.
Còn lại khoảng 20.000 căn (do người dân không có nhu cầu, hoặc không đủ điều kiện mua) sẽ vẫn thực hiện theo cơ chế thuê nhà ở của Nhà nước như trước đây. Với quỹ nhà thuộc các cơ quan tự quản, nếu các hộ dân đã nộp đơn cũng sẽ được xem xét mua nhà trong năm nay.
“Trường hợp người dân chưa có hồ sơ mua nhà có được xem xét mua trong năm nay nữa hay không, phải chờ đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất và phải có sự đồng ý của Chính phủ”, ông Đôn nói.
Về giá bán nhà 61 năm 2007, ông Hà cho biết, giá bán không có gì thay đổi, vẫn được thực hiện theo quy định tại Nghị định 61. Cụ thể, giá đất sẽ được tính bằng giá đất thời điểm trước 31/12/2004 do các địa phương quy định. Đây là mức giá có thể chấp nhận được, không phải giá thị trường.
“Tuy nhiên, sau thời điểm 31/12/2007, quỹ nhà này phải được quản lý tốt hơn. Nhà nước sẽ có đầu tư, nâng cấp để bán hoặc cho thuê với một mức giá khác và mức giá này phải đảm bảo bù đắp được các chi phí mà Nhà nước đã bỏ ra để bảo trì, nâng cấp”, ông Hà nói.
Siết chặt quản lý biệt thự và nhà mặt tiền
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, Hà Nội có khoảng hơn 600 biệt thự công. Các địa phương khác cũng có số lượng biệt thự không nhỏ, trong đó nhiều biệt thự đang xuống cấp, không được đầu tư tu sửa, một số lượng lớn đã bị tư nhân hóa.
Tại Hà Nội, việc bán biệt thự được thực hiện từ năm 1998 theo QĐ số 70/1998/QĐ-UB. Thực hiện quyết định này, Hà Nội chỉ giữ lại 43 biệt thự trong danh mục không được bán. Số biệt thự còn lại đều đã có người thuê-mua theo Nghị định 61.
Liên quan đến các cơ chế chính sách quản lý biệt thự công, nhà mặt tiền, ông Nguyễn Mạnh Hà, cho biết, việc quản lý loại nhà này phải được siết chặt hơn, có cơ chế đặc biệt tránh sử dụng lãng phí hoặc bỏ rơi như hiện nay. Chính vì vậy, Bộ đang gấp rút trình Chính phủ cơ chế quản lý biệt thự và nhà mặt tiền.
Tại tờ trình của Bộ về việc bán nhà 61 đã đề cập đến hai nội dung chính là: Đề nghị cho phép kéo dài thời điểm bán nhà 61 sang năm 2007 và đề xuất một số cơ chế chính sách đối với biệt thự, nhà mặt tiền có vị trí đặc biệt.
Về việc bán nhà 61, Bộ chỉ đề nghị Chính phủ cho kéo dài thời hạn bán nhà sang năm 2007, để đáp ứng nhu cầu của người dân đang còn rất lớn. Thời hạn kéo dài tối đa là đến hết năm 2007, cũng có thể Chính phủ cho kết thúc sớm hơn, nhưng sẽ không kéo dài sang năm 2008.
“Chính phủ chỉ quy định thời điểm hoàn tất việc bán nhà 61, không quy định phải bán hết, do vậy việc xin gia hạn sang năm 2007 là phù hợp”, ông Hà nói. Còn cơ chế cụ thể đối với việc bán biệt thự, nhà có vị trí mặt tiền đặc biệt (có khả năng sinh lợi cao) thì dứt điểm sẽ không được bán theo Nghị định 61 như trước đây nữa.
Biệt thự và nhà mặt tiền là loại nhà đặc biệt, có giá trị kiến trúc nghệ thuật và giá trị kinh tế, số lượng không còn nhiều, nên rất cần có quy định quản lý chặt chẽ, phát huy được giá trị của nó. Tuy nhiên, để có thể có một cơ chế phù hợp, phải trong quý I/2007, Bộ Xây dựng mới hoàn tất một tờ trình khác về vấn đề này.
“Để có thể đưa ra một cơ chế quản lý tốt về biệt thự, nhà mặt tiền trong điều kiện hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực tham khảo ý kiến một số bộ, ngành, trước khi hoàn tất tờ trình”, ông Hà cho biết.
Theo kết quả điều tra công thự tại Hà Nội do Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng công bố vào cuối năm 2005, Hà Nội có 778 công thự, tổng diện tích sử dụng 162.837m2. Các biệt thự này hầu hết đều do người Pháp xây dựng, nằm tại những đường phố lớn thuộc trung tâm thành phố, giá trị kiến trúc-cảnh quan rất lớn. Theo thống kê, Hà Nội có 198 biệt thự thuộc quyền sở hữu Nhà nước đang sử dụng để ở (Hoàn Kiếm có 97 biển số nhà biệt thự, Hai Bà Trưng 28, Ba Đình: 73 biệt thự). Trong số 198 công thự, có 107 biệt thự có giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật như các biệt thự tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa, 8 Tăng Bạt Hổ, 17 Nguyễn Biểu, nhiều biệt thự nằm ở tuyến phố chính và diện tích khuôn viên rộng hơn 500m2. Trong đó, có những biệt thự do nhiều chủ đang cùng sử dụng. |